Bà Ngô Tường Vy (Công ty XNK trái cây Chánh Thu) cho biết nhiều khi nghe nông dân gọi mua hàng mà rớt nước mắt, mong Chính phủ có những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.

"Nhiều khi nghe nông dân gọi điện mua hàng mà rớt nước mắt"

Lam Thanh | 08/08/2021, 09:30

Bà Ngô Tường Vy (Công ty XNK trái cây Chánh Thu) cho biết nhiều khi nghe nông dân gọi mua hàng mà rớt nước mắt, mong Chính phủ có những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.

Nên chăng cần chuyển trạng thái?

Tại tọa đàm trực tuyến: Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra tối 7.8, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng vấn đề không phải chúng ta không có thị trường, không có cầu, mà câu chuyện nằm ở sản xuất. Chính phủ phải thực hiện đóng cửa nhiều tỉnh thành hiện nay và điều này gây ra ách tắc lớn cho sản xuất và lưu thông hàng hóa.

vtl-2.png
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Ảnh chụp màn hình

“Việc đóng cửa càng kéo dài thì khó khăn của người dân, nền kinh tế càng tăng lên. 2 cuộc chiến y tế và kinh tế đang rất gay go. Phải chăng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải chuyển trạng thái? Các biện pháp ngắn hạn không thể kéo dài được”, ông Lộc nói.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách cho hay, các doanh nghiệp đề xuất 3 tại chỗ thì da giày không thể làm được. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh diễn biến có chiều hướng ổn định hơn thì chúng ta phải mở cửa. Biện pháp là 2 tại chỗ phối hợp với test nhanh và sự tham gia của doanh nghiệp trong phòng chống dịch.

Bà Xuân cho rằng thời gian qua doanh nghiệp hoàn toàn bị động, hầu như tất cả đề phải chờ ý kiến chỉ đạo từ địa phương. “Chúng ta chưa tận dụng được nguồn lực của doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này. Thời gian tới, khi quay lại mở cửa, doanh nghiệp cần được chủ động hơn nữa”.

Theo bà Xuân, cần phát triển y tế tại chỗ của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần được đào tạo để trở thành CDC của doanh nghiệp đó, ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra và phối hợp với các địa phương. Điều này góp phần giảm tải và tính chủ động của doanh nghiệp được nâng lên.

Giải pháp “2 tại chỗ” sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn vì mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng là khác nhau. Doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án nào phù hợp nhất để vận hành và phương án này được trao đổi, thống nhất với địa phương.

Cũng theo bà Xuân, nếu “sống chung với lũ” thì khâu đào tạo doanh nghiệp để có y tế tại chỗ là cần thiết. Doanh nghiệp phải biết ứng phó khi tình huống bất ngờ xảy ra. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không bị động, sẽ chủ động phối hợp từng bước với địa phương.

tx.png
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách - Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm toàn bộ chứ không chỉ mình CDC địa phương phải đứng ra. Theo đó, người lao động có trách nhiệm với doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm với địa phương, địa phương có trách nhiệm với Chính phủ… Địa phương phải linh hoạt để doanh nghiệp mở cửa sản xuất chứ không thể áp một lời giải chung cho mọi bài toán.

Nhiều khi nông dân gọi mua hàng mà rớt nước mắt

Bà Xuân cũng nhìn nhận, việc phân phối vắc xin đang thiếu nhạc trưởng. Doanh nghiệp bối rối vì đã gửi đăng ký nhưng chưa biết lúc nào được tiêm. Có những doanh nghiệp được tiêm 20-50%. Tiến trình tiêm vắc xin đó có thể giúp doanh nghiệp mở cửa dần. Trừ những người được tiêm vắc xin rồi, doanh nghiệp test cho những người chưa tiêm vắc xin để chủ động mở cửa dần.

“Hiện các địa phương chỉ ưu tiên tiêm vắc xin cho doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” ổn định, còn những doanh nghiệp đóng cửa không được ưu tiên, điều này là vô lý. Chúng ta mong muốn mở rộng sản xuất thì phải ưu tiên những doanh nghiệp đang khó khăn để họ quay lại sản xuất, còn những doanh nghiệp đang sản xuất ổn thì có thể chậm lại”, bà Xuân nêu.

“Về tìm nguồn cung vắc xin, doanh nghiệp qua các đối tác có thể tìm được nguồn vắc xin nhưng doanh nghiệp không thể đàm phán, mà phải cần Chính phủ tham gia. Nếu chúng ta muốn mua vắc xin ngay và luôn thì phải chấp nhận giá cao, điều này Chính phủ có cho phép hay không? Doanh nghiệp sẵn sàng mua vắc xin với giá cao vì chi phí đóng cửa sản xuất còn lớn hơn nhiều”, bà Xuân nói thêm.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết chuỗi cung ứng liên quan đến rất nhiều thành phần, trong đó có nông dân. Áp lực lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là trách nhiệm đối với người lao động của mình. Vắc xin cho dù có đắt hơn thì các doanh nghiệp cũng sẽ ủng hộ hết mình để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động, duy trì sản xuất lâu dài.

Ngoài ra, bà Vy cũng cho rằng cần có giải pháp để các gói hỗ trợ cần thiết thực, đến tay doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Nhiều ngân hàng sợ doanh nghiệp “chết” thì khó đòi được nợ. Càng khó khăn thì càng phải đồng hành để doanh nghiệp có thể phát huy hết nội lực của mình.

ntv.png
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - Ảnh chụp màn hình

“Nhiều khi nghe nông dân gọi mua hàng mà rớt nước mắt. Mong Chính phủ có những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian sắp tới”, bà Vy nói.

Tháo gỡ khó khăn tại chốt kiểm soát

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics đề nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Công Thương là ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Điều này sẽ tháo gỡ được các khó khăn tại chốt kiểm soát.

“Khó khăn về vận tải nằm tại các chốt phòng dịch là quan trọng. Người trực chốt họ chỉ nghe hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên ttực tiếp của họ mà mỗi địa phương mỗi cách hiểu, cách áp dụng khác nhau nên rất bất cập. Chúng ta phải số hóa trong khai báo cũng như kiểm tra, để khi qua các chốt kiểm soát thì có cách nhận diện được ngay”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, Chính phủ phải chỉ đạo áp dụng đồng bộ chứ mỗi địa phương một cách áp dụng riêng thì rất khó giải quyết. Có những cảng quốc tế, cửa khẩu nằm ở địa phương và địa phương áp dụng phòng dịch theo cách của họ. Điều này dẫn đến tắc nghẽn đối với hàng hóa đến ở các cửa khẩu quốc tế, gây ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp.

Ông Minh cũng cho rằng những lao động của ngành logistics (ví dụ lái xe) là lực lượng lao động phân phối nhu yếu phẩm đến người dân, đáp ứng cung ứng hàng hóa, do đó cần tạo điều kiện cho họ di chuyển đến nơi làm việc. Ngoài ra, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng này. Bộ Y tế cần chủ động cung cấp miễn phí hoặc bán cho các doanh nghiệp vận tải thiết bị test để phục vụ phòng dịch cho xã hội.

Cũng theo ông Minh, việc vận tải khó khăn cũng liên quan đến một văn bản của Bộ Y tế là các lái xe phải được xét nghiệm COVID-19. Nhiều đị phương họ xem giấy này như giấy thông hành, nhiều lái xe phải đi test 3 ngày/lần và các địa điểm xét nghiệm đều rất đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm.

“Chúng tôi đề xuất các công ty vận tải đồng hành, cam kết, lái xe ngồi im trong ca bin, không tiếp xúc, không giao dịch. Nếu tháo gỡ được vấn đề xét nghiệm này thì có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp vận tải cũng như lái xe, bởi vì nhiều lái xe cũng bị ảnh hưởng tâm lý, họ muốn trả xe, nghỉ việc”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, giá cước vận tải quốc tế đã tăng 5-7 lần. Chính phủ, các bộ, ngành phải có biện pháp quyết liệt trong công tac quản lý nhà nước để tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn này.

Còn trong nước, phải quan tâm tới các chợ đầu mối. Bộ Công Thương phải quy hoạch về vị trí, dự phòng, mô hình hoạt động. Đại dịch đã tấn công 3 chợ đầu mối của TP.HCM và đã làm ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân. Ở Hà Nội thì chợ Long Biên cũng đã bị tấn công. Do đó, chúng ta cần phải có sự quan tâm lớn cho vấn đề này.

Bài liên quan
Chi phí tăng cao, doanh nghiệp khó duy trì “3 tại chỗ”
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng để thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí cho người lao động tăng gấp 2,2 lần, rơi vào khoảng 20 triệu/lao động. Do đó, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
23 phút trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Nhiều khi nghe nông dân gọi điện mua hàng mà rớt nước mắt"