Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Người dân có ý muốn đổi chuyển cây trồng nên tự nguyện gọi thương lái mua, chứ không hề có đối tượng xúi giục".

Dân xứ dừa Bến Tre đua nhau bán cây dừa

Một Thế Giới | 16/12/2015, 16:54

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Người dân có ý muốn đổi chuyển cây trồng nên tự nguyện gọi thương lái mua, chứ không hề có đối tượng xúi giục".

Với diện tích 68.000ha, cho khoảng 500 triệu trái dừa/năm, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất nước. Hiện có khoảng 163.000 hộ sống nhờ cây dừa, chưa tính hàng chục ngàn lao động tại các nhà máy, cơ sở chế biến dừa, xơ dừa… Nếu dừa Bến Tre bị xóa sổ, số nông dân và lao động này sẽ đói chắc! 
Dân xứ dừa đổ xô nhổ dừa bán
Những ngày gần đây, chỉ cần đi ngang qua huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) người ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh tấp nập hoạt động mua bán cây dừa. Hàng chục người, xe tải và cần cẩu được huy động đến tận vườn để thu mua cây dừa. Theo nhiều người dân địa phương, hằng ngày có cả trăm cây dừa được bán cho các thương lái. Điều đặc biệt, các thương lái không hề phân biệt giống dừa, năm tuổi, tán rộng hay hẹp mà họ chỉ cần chiều cao của cây từ 1,5 - 2m.
cay dua, Ben Tre, thuong lai Trung Quoc, Phu Quoc 
Cây dừa vừa bị bứng đi, chỉ còn đất trống
Người bán dừa chỉ cần đồng ý bán cây sẽ được nhận tiền liền tay. Còn các chuyện khác như bứng cây, vận chuyển… các thương lái làm hết. Thông thường, các thương lái sẽ thêm một số “chỉ tiêu” như chỉ mua những cây dừa có dáng vóc chuẩn và có khả năng sinh trưởng tốt, không có dấu hiệu bệnh. Anh Đỗ Văn Trọng (ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách) cho hay anh vừa bán xong hơn 30 cây dừa cho thương lái, tất cả đồng giá 150.000đ/cây. Sau khi liên lạc và chấp nhận bán, anh nhận ngay hơn 3 triệu đồng. Chưa đầy 30 phút sau, 2 chiếc cần cẩu và hơn chục nhân công tới nhà anh bắt tay ngay vào việc. “Bán kiểu này thì mình lỗ chắc, không thể lấy lại được vốn, nhưng vì thiếu thốn mình mới bán. Mà họ làm việc rất nhanh, khu vườn tôi mà họ làm chưa đầy 1 ngày đã xong để trả vườn lại cho tôi. Bây giờ, ở đây chỉ cần “a lô” một tiếng là có người đem tiền tới tận nhà liền”.

Ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách đang là nơi có hoạt động mua bán dừa sôi nổi nhất trong khu vực. Nhiều người dân sẵn sàng bán nguyên cả vườn dừa của mình cho thương lái với giá 150.000đ/cây. Tại một mảnh vườn rộng gần 2 công đất ven đường, chúng tôi phát hiện có hơn 50 cái hố to nhỏ được đào lên, mỗi hố sâu gần 0,5m. Trước đó, đây từng là chỗ của những cây dừa… “Hoạt động mua bán dừa diễn ra ở địa phương từ 3 - 4 tháng trở lại đây. Có lúc cao điểm, nhìn ngoài đường lớn là… cây dừa được chở ngang nhiều hơn cả xe qua lại”, một người dân địa phương cho biết.

Bỏ công 4 - 5 năm, bán với giá bèo

Một số người trồng dừa có kinh nghiệm lâu năm cho biết để cây dừa cao từ 1,5-2m thì người trồng dừa phải mất ít nhất từ 4 - 5 năm. Tính từ khoảng thời gian trồng đến lúc bán cây dừa cho các thương lái người dân tốn khoảng vài triệu đồng/công đất để mua giống, phân, thuốc diệt đuông dừa. Đặc biệt, ở giai đoạn 1 - 2 năm đầu để dừa phát triển thì người dân phải bỏ công sức, tiền bạc hơn rất nhiều. Vì ở giai đoạn này, cây dừa còn rất yếu dễ bị chết non hoặc hư cây, do không thích nghi được với đất, nhiễm bệnh hoặc bị đuông dừa đeo bám, phá hoại.

Điều lạ là khi dừa trái hạ giá như hiện nay, hàng trăm người dân đã đua nhau bán luôn… cả cây dừa, giá cả cao thấp không cần so đo, chỉ cần bán được là họ đã mãn nguyện! Người dân địa phương còn coi đây là một việc bình thường, như “ăn cơm bữa”, ai hỏi đến người bán, người mua là họ nhiệt tình chỉ dẫn. Hoạt động mua bán cây dừa càng nhộn nhịp kéo theo nhiều công việc khác cũng sôi nổi theo. Nhiều người dân trong vùng sẵn sàng bỏ công việc hiện tại của mình để đi mua dừa, bứng dừa, chở cây dừa… “Mấy tay thương lái thuê chúng tôi làm 1 ngày 300.000đ, chỉ có việc đào cây dừa thôi. Ngày trước tôi làm công nhân may ở địa phương 1 ngày chỉ được 80.000đ, nhưng từ ngày cây dừa được mua bán nhiều nên nghỉ luôn. Về bứng dừa tiền nhiều hơn”, anh Sơn, người chuyên đi đào dừa cho các thương lái bộc bạch.
Khi chúng tôi tò mò hỏi các thương lái mua dừa cây non để làm gì, để sử dụng hay có ý đồ nào khác thì nhiều người dân đều bảo không biết. “Dân ở đây chỉ biết bán với mua thôi. Chứ còn mục đích của thương lái thì ít khi hỏi đến. Dừa này chỉ có đem về trồng lại thôi chứ không tận dụng được gì. Thân quá nhỏ không làm gỗ được. Nếu mua để lấy cổ hũ dừa thì chắc không phải vì loại này dở, không ngon bằng mấy loại cây cao, lớn tuổi hơn”, một chủ vườn dừa cho biết.

Về xuất xứ của những thương lái này cũng không ai biết. “Chúng tôi bán được dừa là rất mừng rồi, nên cũng không hỏi han người ta nhiều về “tương lai” của những cây dừa mình bán đi. Có nhiều người khẳng định mấy cây dừa này đem về để làm cây công trình. Khi người dân muốn bán dừa thì liên hệ cho một người chuyên thu mua cây công trình trong địa phương. Còn việc xuất đi thì người dân chỉ biết mập mờ là xuất cho thương lái hoặc đem trồng kiểng tại mấy khu du lịch nào đó thôi”, một người dân bảo vậy.

Điều đáng lưu ý, hơn 10 năm nay, tàu Trung Quốc thường xuyên sang Bến Tre mua dừa, và tìm hiểu rất kỹ về cây dừa xứ này. “Mua kiểu này, dân thấy ham là bán hết ngay. Rồi đổ xô nhau trồng cây khác, rồi lại bị ép giá. Rồi có ngày không còn dừa để bán. Đất Bến Tre hết dừa coi như mất tiếng. Coi chừng bị dính bẫy của thương lái Trung Quốc như mua thanh long, lá mãng cầu. Mà Bến Tre hết dừa thì nông dân, rồi hàng chục nhà máy, hàng ngàn cơ sở chế biến phải dẹp tiệm vì lấy đâu ra nguyên liệu?”, một người dân nói vậy.

Làm gì có thương lái Trung Quốc

Chúng tôi gặp được ông Tuấn Anh (thương lái chuyên mua dừa của người dân), và ông Tuấn Anh cũng mơ hồ về việc tại sao nhiều đầu mối có nhu cầu mua cây dừa số lượng lớn. “Họ chỉ điện thoại, miêu tả kích cỡ của cây dừa, tôi sẽ đi tìm mua cho họ. Giá cả thì từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Nhưng thương lái Trung Quốc thì tôi khẳng định là không nhúng tay vào! Tôi mua dừa để cung cấp cho 2 thị trường chính là Phú Quốc và Hà Nội. Trước giờ, tôi chỉ làm việc với người Việt Nam mình chứ chưa hề mua bán với thương lái Trung Quốc!”.

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Người dân có ý muốn đổi chuyển cây trồng nên tự nguyện gọi thương lái mua, chứ không hề có đối tượng xúi giục. Hơn nữa, đây hình thức tỉa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng bình thường trong vùng. Việc này sẽ giúp người dân tăng thu nhập cho gia đình và không ảnh hưởng đến lớn sản lượng dừa của huyện và không hề có thương lái Trung Quốc tham gia”.

Anh Trịnh Công Phát, người dân huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Đúng là người ta mua dừa chở về đây, trồng ở bờ biển, theo các dự án khu du lịch, khách sạn. Nhu cầu là rất lớn! Nói vui là, có thể nhổ hết dừa Bến Tre về Phú Quốc này trồng”. Tại sao lại mua dừa cao 1-2m, mà không trồng dừa nhỏ, dễ sống? Anh Phát nói: “Dừa lớn sẽ nhanh cho bóng mát. Chở ra đây, dừa trồng xuống đất cát vẫn sống như thường, không lo ngại. Mà dân trồng dừa nhận khoán hết, họ sẽ mua dừa từ Bến Tre, chở ra đây, trồng xuống rồi chăm sóc luôn, khi nào cây dừa phát triển tốt mới nhận tiền”.  

Trước đây một nhóm chuyên gia nông nghiệp đã có dự án trồng ươm khoảng 1.000 cây dừa giống trên diện tích khoảng 4ha tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) để đón đầu xu thế phát triển. Nhưng dự án này thất bại do bọ dừa tấn công dữ dội. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá dừa cây, trồng phục vụ cảnh quan các khu nghỉ dưỡng, resort tại Phú Quốc đang ở mức khá cao như hiện tại. Hiện tại, 1 cây dừa Bến Tre mang về trồng tại Phú Quốc, bất kể sống hay chết sau đó, giá đã từ 1,2-1,4 triệu đồng!
Hoàng Thể
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân xứ dừa Bến Tre đua nhau bán cây dừa