Đại sứ Liên Hợp Quốc của Nga hôm 1.7 khẳng định xung đột Nga-Ukraine không thể giải quyết trong vòng một ngày.
Theo AP, phát biểu trong buổi tranh luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27.6, cựu tổng thống Donald Trump khẳng định nếu đắc cử, ông sẽ “giải quyết xung đột Nga - Ukraine trong vòng 1 ngày, thậm chí có thể diễn ra trước ngày nhậm chức vào tháng 1.2025”. Ông Trump cũng nhiều lần nhấn mạnh Nga đã không phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng nếu ông vẫn là tổng thống Mỹ.
Khi được hỏi về quan điểm của Moscow sau tuyên bố của vị ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vassily Nebenzia nhấn mạnh “cuộc xung đột tại Ukraine không thể được giải quyết trong vòng 1 ngày”.
Ông Nebenzia cho rằng chiến tranh có thể đã kết thúc vào tháng 4.2022 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) khi Nga và Ukraine “rất gần” đạt được một thỏa thuận. Đại sứ Nga sau đó đổ lỗi phương Tây đã ngăn cản Kyiv tiến tới một thỏa thuận hòa bình với Moscow.
Quan chức ngoại giao Nga cho biết Điện Kremlin không coi công thức hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky là khởi đầu cho bất cứ cuộc hòa giải nào giữa Nga và Ukraine, đồng thời cảnh báo tình hình thực tế tại Ukraine càng khó khăn thì việc kết thúc chiến tranh bằng con đường ngoại giao càng gặp nhiều thách thức.
Đại sứ Nebenzia khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ “ngay lập tức” ra lệnh ngừng bắn ở Ukraine và bắt đầu đàm phán nếu Kyiv bắt đầu rút quân khỏi 4 khu vực bị Moscow sáp nhập vào năm 2022 và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.
Đàm phán Ukraine - Nga
Trả lời truyền thông tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng Kyiv “có thể tìm ra hình mẫu” cho một giải pháp tiềm năng cho cuộc xung đột với Moscow. Ông đề cập đến hình thức đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga thông qua đối thoại với các bên trung gian như đã được sử dụng để dẫn tới thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022.
Tổng thống Ukraine cho biết mô hình trên có thể được sử dụng cho các vấn đề như toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và vận tải. Zelensky cũng tiết lộ chính quyền ông đang vạch ra một “kế hoạch toàn diện” để kết thúc chiến tranh. “Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là đưa ra một kế hoạch chấm dứt chiến tranh và được đa số thế giới ủng hộ", ông nói hôm 28.6.
Cho đến nay, chưa có cuộc đàm phán nào giữa Ukraine và Nga và dựa trên các tuyên bố công khai của ông Zelensky và Tổng thống Nga Putin. Ukraine nhiều lần yêu cầu Nga phải rút quân ra khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận - bao gồm cả bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập vào năm 2014, trước khi các cuộc đàm phán hòa bình có thể bắt đầu. Trong khi đó, phía Nga khẳng định nước này sẵn sàng tái khởi động các cuộc đàm phán, nhưng chỉ với điều kiện Kyiv từ bỏ yêu sách đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập trong cuộc xung đột.