Chính quyền Đài Loan hôm 11.12 cho biết đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

Đài Loan có ca nhiễm Omicron đầu tiên, 14/43 người nhiễm Omicron ở Mỹ đã tiêm mũi vắc xin tăng cường

Sơn Vân | 11/12/2021, 15:16

Chính quyền Đài Loan hôm 11.12 cho biết đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

Đài Loan cho biết ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở một du khách đến từ Eswatini (quốc gia phía nam châu Phi). Người này đã bị cách ly, không có triệu chứng.

10 người khác ngồi phía trước và sau ca nhiễm Omicron trên chuyến bay đến Đài Loan bị cách ly tại nhà, đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

dai-loan-co-ca-nhiem-omicron-dau-tien.jpg
Những người đeo khẩu trang đi thang cuốn trong giờ cao điểm buổi sáng tại ga tàu điện ngầm ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 30.11 - Ảnh: Reuters

Thời gian qua, Đài Loan áp dụng chính sách Zero COVID-19 nên có ít ca bệnh trong cộng đồng.

Hôm 10.12, Đài Loan báo cáo ca mắc COVID-19 cộng đồng đầu tiên sau hơn 1 tháng. Đó là nữ nhân viên phòng thí nghiệm khoảng 20 tuổi từng bị chuột nhiễm SARS-CoV-2 cắn.

Cô gái này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong tuần qua, nhiễm biến thể Delta, từng bị chuột mắc COVID-19 cắn hai lần lúc làm việc ở Viện nghiên cứu Academia Sinica tháng trước.

Academica Sinica thuộc nhóm 18 phòng thí nghiệm sinh học đạt cấp độ an toàn sinh học mức 3, cấp độ an ninh cao thứ 2 ở Đài Loan. Nghiên cứu tại đây chủ yếu thu thập và nhân giống mầm bệnh, xét nghiệm vi sinh và miễn dịch học dựa trên tế bào, cũng như đánh giá hiệu quả của vắc xin và chất bổ trợ trên các mẫu động vật nhỏ.

Nữ nhân viên đã tiêm 2 liều vắc xin Moderna và thời gian gần đây không đi du lịch nhiều.

Giới chức y tế đang điều tra để làm rõ liệu chuột có phải nguồn lây COVID-19 cho nữ nhân viên hay không.

Qua truy vết, có 94 người (chủ yếu là đồng nghiệp và người nhà) tiếp xúc với nữ nhân viên phòng thí nghiệm kể từ lúc cô dương tính  với COVID-19. 80 người trong số này có kết quả xét nghiệm âm tính.

Diễn biến trên đe dọa phá vỡ sự thành công trong nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của Đài Loan.

Từng là một câu chuyện thành công trong đại dịch, Đài Loan hiện đóng cửa với thế giới bất chấp những tổn thất về du lịch, giao thương, lối sống và chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.

Trong 18 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, cuộc sống ở Đài Loan vẫn tươi sáng. Khi các thành phố bị đóng cửa trên khắp Trung Quốc, châu Âu và châu Á, Đài Loan vẫn an toàn, sôi động, gần như bình thường.

Nhờ chiến lược ngăn ngừa ca bệnh và loại bỏ nhanh chóng, Đài Loan hiện ghi nhận 16.721 ca mắc COVID-19, tương đối thấp so với nhiều nơi, chủ yếu là nhập cảnh và phát hiện trong khu cách ly, với chỉ 848 người chết.

2 năm sau khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, Đài Loan vẫn tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giúp nó thành công sớm - đóng cửa biên giới, cách ly nghiêm ngặt, truy vết sát sao các trường hợp liên quan F0 và bắt buộc đeo khẩu trang. Có rất ít dấu hiệu cho thấy những điều này sẽ kết thúc.

Cùng với Trung Quốc, Đài Loan nằm trong những ít nơi đang chống lại việc tái gia nhập thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế lẫn công chúng.

Các hạn chế biên giới đã cản trở du lịch quốc tế, giao thương và làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng. Dịch vụ đường hàng không đến và đi từ một số quốc gia bị đình chỉ.

Trong suốt đại dịch, khách du lịch và những người không cư trú khác đã bị cấm nhập cảnh, bao gồm cả các đối tác nước ngoài và con cái của cư dân Đài Loan. Các nhà chức trách gần đây đã dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng chỉ áp dụng cho các gia đình của công dân Đài Loan, không phải cư dân nước ngoài.

14/43 ca nhiễm Omicron ở Mỹ đã tiêm mũi vắc xin tăng cường

Hầu hết trong số 43 ca nhiễm biến thể Omicron được xác định ở Mỹ đến nay là những người đã tiêm vắc xin đầy đủ và 1/3 trong số họ nhận mũi tăng cường.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trong số 43 ca nhiễm biến thể Omicron, 34 người đã được tiêm vắc xin đầy đủ. 14 người trong số họ đã nhận mũi vắc xin tăng cường, dù 5 người chưa trải qua đủ 14 ngày để nhận sự bảo vệ đầy đủ.

Dù con số rất nhỏ nhưng làm tăng thêm lo ngại rằng vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cung cấp ít khả năng bảo vệ hơn trước với biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao.

Đến nay biến thể Omicron đã được tìm thấy ở khoảng 22 bang Mỹ sau khi lần đầu tiên được xác định tại phía nam châu Phi cuối tháng 11.

Trong số 43 ca nhiễm Omicron, 25 người ở độ tuổi 18 đến 39 và 14 người đã đi du lịch quốc tế. 6 người trước đó từng mắc COVID-19, tức bị tái nhiễm SARS-CoV-2.

Báo cáo cho biết hầu hết họ chỉ có các triệu chứng nhẹ như ho, nghẹt mũi và mệt mỏi; một người phải nhập viện trong 2 ngày.

Các triệu chứng khác được báo cáo ít thường xuyên hơn gồm buồn nôn hoặc nôn, thở gấp hoặc khó thở, tiêu chảy và mất vị giác hoặc khứu giác.

CDC cho biết trong khi nhiều ca nhiễm Omicron ban đầu ở Mỹ có vẻ mắc bệnh nhẹ thì có khoảng thời gian trễ giữa nhiễm vi rút và các kết quả nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn ở những người được tiêm vắc xin đầy đủ và từng khỏi COVID-19 trước đó.

Ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Mỹ được xác định vào ngày 1.12 ở một người được tiêm vắc xin đầy đủ từng đi du lịch đến Nam Phi.

Biến thể Delta vẫn chiếm hơn 99% tất cả ca mắc COVID-19 ở Mỹ. Thế nhưng, các báo cáo từ Nam Phi cho thấy Omicron rất dễ lây truyền. Nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy Omicron có hệ số lây nhiễm cơ bản gấp 4,2 lần Delta.

Trong dịch tễ học, hệ số lây nhiễm cơ bản là số ca nhiễm bệnh mới dự kiến được tạo ra trực tiếp bởi một trường hợp ban đầu.

Ngay cả khi hầu hết ca nhiễm Omicron là nhẹ, một biến thể có khả năng lây truyền cao có thể dẫn đến đủ số lượng bệnh nhân để áp đảo các hệ thống y tế, CDC cảnh báo.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố trong tuần này cho thấy Omicron làm giảm khả năng bảo vệ của hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech, dù liều thứ ba có thể phần nào vô hiệu biến thể này.

Mỹ vừa cho phép tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho tất cả người Mỹ từ 16 tuổi trở lên.

Bài liên quan
‘Omicron có thể lây lan ở Anh nhanh hơn Nam Phi, thật ngớ ngẩn khi nói đây là tin tốt’
John Edmunds nói sự xuất hiện biến thể Omicron là "thất bại rất nghiêm trọng" với hy vọng có thể kiểm soát được đại dịch COVID-19 và kế hoạch B của Thủ tướng Boris Johnson hoàn toàn không phải là phản ứng thái quá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan có ca nhiễm Omicron đầu tiên, 14/43 người nhiễm Omicron ở Mỹ đã tiêm mũi vắc xin tăng cường