Hôm 10.12, Moderna cho biết sẽ cung cấp thêm 20 triệu liều vắc xin COVID-19 của mình cho Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) để phân phối thông qua cơ sở COVAX vào quý 2/2022.
Với số lượng vắc xin COVID-19 bổ sung này, Moderna nói sẽ cung cấp tổng cộng 136,5 triệu liều cho GAVI.
Sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX do GAVI, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo.
Moderna cũng cho biết sẽ tăng tốc cung cấp 20 triệu liều vắc xin COVID-19, qua đó giao 54 triệu liều cho COVAX tính đến cuối năm nay.
Những liều vắc xin COVID-19 này là một phần trong thỏa thuận trước đó của Moderna với GAVI và ban đầu dự kiến được giao vào quý 1/2022, công ty cho biết.
Moderna nói GAVI vẫn giữ các lựa chọn cho phép họ mua tới 650 triệu liều vắc xin của hãng này để phân phối đến năm 2022.
Hôm 1.12, Moderna cho biết có thể trình làng vắc xin COVID-19 tăng cường nhắm vào biến thể Omicron và sẵn sàng nộp đơn xin cấp phép ở Mỹ ngay sau tháng 3.2021.
Chủ tịch Moderna - Stephen Hoge tin rằng các mũi vắc xin tăng cường mang gen đặc biệt nhắm vào các đột biến trong Omicron được phát hiện sẽ là cách nhanh nhất để giải quyết bất kỳ sự giảm hiệu quả dự kiến nào của vắc xin với biến thể này.
"Chúng tôi đã bắt đầu chương trình đó", ông Stephen Hoge nói với Reuters.
Công ty công nghệ sinh học Mỹ cũng đang nghiên cứu một loại “vắc xin đa giá trị” có thể nhắm đến tối đa bốn biến thể SARS-CoV-2 khác nhau, bao gồm cả Omicron, nhưng điều đó có thể mất vài tháng nữa, ông Stephen Hoge cho hay.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ở giai đoạn giữa. Stephen Hoge tiết lộ quá trình này có thể mất 3 hoặc 4 tháng.
Chủ tịch Moderna nói: “Thực tế, mũi vắc xin tăng cường dành riêng cho Omicron không có trước tháng 3 và có thể có nhiều hơn trong quý 2/2022” trừ khi FDA thay đổi hướng dẫn về dữ liệu nào cần thiết để cấp phép.
Stephen Hoge cho biết Moderna sẽ có thể sản xuất vắc xin khi đang tiến hành thử nghiệm, để sẵn sàng tung ra thị trường càng sớm càng tốt.
Ông nói FDA đang đánh giá mối đe dọa với khả năng bảo vệ của vắc xin do biến thể Omicron gây ra. FDA có thể đưa ra một mốc thời gian nhanh hơn, giống như cách phê duyệt vắc xin cho bệnh cúm, bằng cách phê duyệt những thay đổi trong các chủng cúm, điều này sẽ rút ngắn mốc thời gian từ ba đến bốn tháng.
Tại Mỹ, vắc xin cúm được cấp phép có thể cập nhật mỗi mùa bằng cách thay thế các chủng vi rút mới có nhiều khả năng gây bệnh nhất trong mùa cúm sắp tới mà không cần các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và lớn.
Dựa trên kiểu đột biến được thấy trong biến thể Omicron, bao gồm cả những đột biến đã được chứng minh là làm giảm hiệu quả vắc xin trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, "chúng tôi hy vọng sẽ có một tác động để FDA thay đổi", ông Stephen Hoge nói.
Stephen Hoge nói: "Những đột biến trước đây dẫn đến hiệu quả giảm mạnh nhất đã được thấy ở Delta và Beta. Tất cả những đột biến đó đã xuất hiện trong Omicron. Chúng ta sẽ thấy Omicron thể hiện giống Beta hay vượt qua bội số của cả hai (Beta và Delta)? Tôi nghĩ đó là kịch bản cuối cùng khiến mọi người quan tâm nhất”.
Stephen Hoge cho biết công ty đang thử nghiệm để xem liệu những người được tiêm 2 mũi vắc xin Moderna có được bảo vệ chống lại Omicron không, cũng như những ai nhận thêm mũi tăng cường đủ liều lượng (100 microgram) hoặc nửa liều lượng (50 microgram).
Ông nói: “Tôi vẫn tin các loại vắc xin hiện tại ít nhất sẽ có thể làm chậm lại sự lây lan biến thể Omicron, nếu không phải là ngừng hoàn toàn”.
Cổ phiếu Moderna lao dốc khi vắc xin cúm mRNA không thể vượt qua sản phẩm hiện có
Cổ phiếu Moderna giảm 11% sau khi dữ liệu ban đầu cho thấy vắc xin cúm dựa trên công nghệ mRNA của họ có thể không đủ mạnh để tạo lợi thế so với các sản phẩm đã được phê duyệt trên thị trường, đặc biệt là cho người lớn tuổi.
Công ty công nghệ sinh học Mỹ có trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts cho biết trong một buổi thuyết trình với nhà đầu tư rằng, mức độ kháng thể của vắc xin chống lại cả bốn chủng vi rút cúm trong nghiên cứu giai đoạn đầu không mạnh mẽ ở người lớn tuổi như Fluzone HD của Sanofi (Pháp).
Nhà phân tích Michael Yee của ngân hàng đầu tư Jefferies Group (Mỹ) nói: “Một mặt, các kháng thể tăng lên mức tốt, nhưng mặt khác, mức này không cao hoặc tốt hơn một số vắc xin hiệu quả cao như Flublok hoặc Fluzone HD”.
mRNA-1010 là ứng cử viên vắc xin cúm của Moderna dựa trên mRNA, công nghệ cũng làm cơ sở cho vắc xin COVID-19.
Sau thành công to lớn của vắc xin COVID-19 dựa trên mRNA trong việc chống lại đại dịch trên toàn cầu, Moderna đang gấp rút khai thác công nghệ và phát triển các mũi tiêm phòng các bệnh khác, bao gồm cả bệnh cúm.
Nghiên cứu giai đoạn đầu của Moderna đang diễn ra, thử nghiệm vắc xin cúm ở 180 người. Nghiên cứu ở giai đoạn giữa sẽ thử nghiệm vắc xin cúm với 500 người tham gia vào đầu năm 2022.
Dù hạn chế, dữ liệu này đưa Moderna đi trước các nhà sản xuất thuốc khác, bao gồm cả đối thủ Pfizer, cũng đang thử nghiệm vắc xin cúm của họ dựa trên mRNA.
Ngoài ra, Moderna đang phát triển một loại vắc xin tăng cường đường hô hấp hàng năm có tên mRNA-1345, sẽ nhắm vào nhiều loại vi rút bao gồm SARS-CoV-2, cúm và vi rút hợp bào hô hấp.
Moderna thông báo mRNA-1345 đã chứng minh kết quả tích cực ở giai đoạn đầu.
Công ty công nghệ sinh học Novavax (Mỹ) cũng đang thử nghiệm vắc xin cúm và COVID-19 kết hợp, đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong các nghiên cứu tiền lâm sàng.
Được tiến hành ở Úc, thử nghiệm sẽ thu nhận 640 người lớn khỏe mạnh trong độ tuổi từ 50 đến 70 và những người đã nhiễm SARS-CoV-2 trước đó hoặc được tiêm vắc xin COVID-19 ít nhất 8 tuần trước khi nghiên cứu.
Những người tham gia sẽ nhận được sự kết hợp giữa vắc xin COVID-19 (NVX-CoV2373) và vắc xin phòng bệnh cúm (NanoFlu) của Novavax cùng chất bổ trợ hoặc vắc xin tăng cường.
"Sự kết hợp của hai loại vắc xin này có thể dẫn đến hiệu quả cao hơn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và đạt được mức độ bảo vệ cao chống lại COVID-19 lẫn bệnh cúm với một phác đồ duy nhất", Gregory Glenn, Chủ tịch Nghiên cứu và Phát triển tại Novavax, chia sẻ.