Trong đơn kêu cứu, ông Lê Ân viết: “Vụ án xảy ra cách nay 16 năm tại Ngân hàng TMCP Vũng Tàu (VCSB), có 3 bản cáo trạng, qua nhiều lần xét xử vẫn không có thể nhân, pháp nhân nào bị xâm hại, nhân thân người bị hại và đơn khiếu nại không có, thế nhưng Viện kiểm sát vẫn truy tố Lê Ân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và đề nghị mức án chung thân, tử hình là không có cơ sở”.

Đại gia Lê Ân và bản án không có người bị hại vẫn truy tố chung thân, tử hình

Lê Ngọc Dương Cầm | 02/03/2017, 16:07

Trong đơn kêu cứu, ông Lê Ân viết: “Vụ án xảy ra cách nay 16 năm tại Ngân hàng TMCP Vũng Tàu (VCSB), có 3 bản cáo trạng, qua nhiều lần xét xử vẫn không có thể nhân, pháp nhân nào bị xâm hại, nhân thân người bị hại và đơn khiếu nại không có, thế nhưng Viện kiểm sát vẫn truy tố Lê Ân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và đề nghị mức án chung thân, tử hình là không có cơ sở”.

          

Ông Lê Ân (nguyên Chủ tịch HĐQT VCSB) đã có nhiều đơn kêu oan gửi Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ… Dù Chính phủ đã có văn bản gửi trại giam Z30D cho Lê Ân ra tù trước thời hạn, nhưng những hệ lụy từ vụ án chưa có tiền lệ này đến nay vẫn chưa có hồi kết. 

Trở lại vụ án 16 năm trước

VCSB được thành lập theo yêu cầu của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hoạt động từ năm 1991 – 1999 và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Công ty kiểm toán VACO thuộc Bộ Tài chính kiểm toán các năm tài chính, kết thúc kiểm toán ngày 11.8.1999, kết luận: không mất cân đối, không có nợ xấu, tiền mặt đảm bảo chi trả tức thời gấp 3 lần mức Ngân hàng Nhà nước quy định.

Dù vậy, ngày 13.8.1999, VCSB bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt với lý do 14 tài sản VCSB xiết trừ nợ vay chuyển hết cho cá nhân ông Lê Ân, vi phạm nghiêm trọng quy định. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can… Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) ra bản cáo trạng số 08/VTC-KSĐT-TA ngày 28.5.2001 kết luận, ông Lê Ân bị đề nghị mức án 20 năm tù về tội cố ý làm trái; tù chung thân về tội chiếm đoạt tài sản của VCSB và tử hình về tội lập ngân hàng huy động vốn nhằm chiếm đoạt… Tổng cộng hình phạt là tử hình.

Ba bản cáo trạng không có người bị hại

Ông Lê Ân có đơn phản bác bản cáo trạng số 08/VTC-KSĐT-TA ngày 28.5.2001, vì quy kết tội không có chứng cứ, nội dung mơ hồ, không chứng minh được người bị hại, nên tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử theo bản cáo trạng này. Viện Kiểm sát “chữa cháy” bằng bản cáo trạng số 01/VTC-KSĐT-TA ngày 4.2.2002 đề nghị mức án 20 năm tù đối với ông Lê Ân về tội cố ý làm trái. Với bản cáo trạng mới này, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Lê Ân 10 năm tù.

Ông Lê Ân chống án, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) xét xử phúc thẩm ra bản án số 1366/PTHS ngày 5,6.8.2003 cũng không chứng minh được người bị hại là ai. Do vậy, ông Lê Ân yêu cầu tòa tuyên vô tội và thả ngay tại tòa. Tuy nhiên tòa vẫn tăng án với ông Lê Ân thêm 2 năm thành 12 năm tù. Tại trại giam Z30D ngày 20.12.2003, ông Lê Ân đã làm đơn kêu oan, xin kháng nghị giám đốc thẩm Bản án số 1366/PTHS không có người bị hại gửi TANDTC, VKSNDTC, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ…

Quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Lê Ân của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2004

Đến năm 2004, theo bản cáo trạng số 22/VTC-KSĐT-TA ngày 14.11.2002 của VKSNDTC truy tố bị can Lê Ân, nơi ở: Khu du lịch Chí Linh Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về hành vi phạm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 280 Bộ luật Hình sự; đồng thời truy tố các bị can khác ra TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xét xử theo tội danh điều luật đã được viện dẫn. VKSNDTC ủy quyền cho Viện Kiểm sát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cử kiểm sát viên duy trì công tố trước tòa kèm theo bản cáo trạng số 22/VTC-KSĐT-TA ngày 14.11.2002 của VKSNDTC. TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vụ án ra xét xử do thẩm phán Nguyễn Hồng Sơn làm chủ tọa phiên tòa, Viện Kiểm sát tỉnh BR-VT cử kiểm sát viên Phạm Hữu Dương duy trì công tố tại phiên tòa.

Tại tòa, khi Hội đồng xét xử thẩm vấn, xét hỏi, ông Lê Ân khẳng định vụ án xảy ra tại Ngân hàng VCSB qua 3 bản cáo trạng và nhiều lần xét xử vẫn không có thể nhân, pháp nhân nào bị xâm hại; cụ thể là nhân thân người bị hại và đơn khiếu nại không có nhưng vẫn truy tố ông về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân là không có cơ sở.

Hội đồng xét xử thông báo tạm đình chỉ xét xử để hội ý và cho rằng không đủ chứng cứ, yếu tố buộc tội bị can Lê Ân chiếm đoạt tài sản của công dân. Hội đồng xét xử thống nhất tuyên vô tội và trả tự do cho Lê Ân tại tòa. Tuy nhiên, kiểm sát viên Phạm Hữu Dương duy trì công tố tại tòa không đồng ý và đề nghị theo yêu cầu của VKSNDTC đình chỉ xét xử, trả hết hồ sơ về VKSNDTC cho điều tra bổ sung.

Lá đơn kêu oan của ông Lê Ân gửi từ trại giam Thủ Đức Z30D ngày 20.12.2003

Ông Lê Ân trao đổi với phóng viên: “Vụ án xảy ra cách nay 16 năm tại Ngân hàng TMCP Vũng Tàu, có 3 bản cáo trạng, qua nhiều lần xét xử vẫn không có thể nhân, pháp nhân nào bị xâm hại, nhân thân người bị hại và đơn khiếu nại không có, thế nhưng Viện kiểm sát vẫn truy tố Lê Ân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và đề nghị mức án chung thân, tử hình là không có cơ sở. Trong khi chứng từ sổ sách ngân hàng là “chứng cứ biết nói”, vụ án hình sự trọng chứng hơn trọng cung… Bản cáo trạng số 22 quy kết tội tôi đã vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự nghiêm trọng với lời khai rất vu vơ, không có căn cứ. Trong khi tôi là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT VCSB, cơ quan điều tra xác nhận tôi có số vốn góp cổ phần bằng tiền mặt hơn 50 tỉ đồng tại VCSB và quản trị điều hành ngân hàng này. Cả ba bản cáo trạng đều không chứng minh được người bị hại là đồng nghĩa tôi chiếm đoạt tài sản của tôi, thì tôi làm gì có tội!”.

“Quên” xin lỗi, phục hồi danh dự 

Đến ngày 25.10.2004, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an có Văn bản số 1176 xác định không thể điều tra thu thập thêm tài liệu gì so với trước đây. VKSNDTC không còn cách nào khác là ban hành Quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 09/VKSTC-V1 ngày 22.12.2004 và Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Lê Ân số 53/VKSTC-V1 ngày 22.12.2004 về tội chiếm đoạt tài sản riêng của công dân.

Tuy nhiên, VKSNDTC truy tố người vô tội, sau đó quyết định hủy bỏ, đình chỉ vụ án mà không công bố công khai 2 quyết định này và không xin lỗi, phục hồi danh dự cho ông Lê Ân; trái lại còn lấy lý do gia đình ông Lê Ân có nhiều đơn xin chiếu cố, khoan hồng là hoàn toàn sai sự thật. Bản thân ông Lê Ân biết mình vô tội, bị truy tố oan sai và đã có nhiều đơn khiếu nại kêu oan vụ án “cố ý làm trái không có người bị hại”. Chính phủ cũng có văn bản gửi Trại giam Z30D cho ông Lê Ân về trước các bị can khác trong vụ án, điều này cũng đã chứng minh được VKSNDTC truy tố ông Lê Ân là hoàn toàn sai. Thế nhưng đến nay ông Lê Ân vẫn chưa được TANDTC, VKSNDTC xét đơn xin kháng nghị giám đốc thẩm với đầy đủ tình tiết oan sai.

Việc này đã kéo dài 16 năm mà vẫn chưa có hồi kết!

Bài, ảnh: Dương Cầm

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại gia Lê Ân và bản án không có người bị hại vẫn truy tố chung thân, tử hình