Gia đình những người dân bị bệnh phong ở làng Vân được quen gọi là dân làng phong (ở dưới chân đèo Hải Vân, Đà Nẵng) chấp nhận di dời để nhường toàn bộ đất cho dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân (có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỉ USD với tiêu chuẩn 5 sao quốc tế).

Đà Nẵng: Dân làng phong vẫn sống ‘kiếp long đong’

Một Thế Giới | 01/01/2015, 15:19

Gia đình những người dân bị bệnh phong ở làng Vân được quen gọi là dân làng phong (ở dưới chân đèo Hải Vân, Đà Nẵng) chấp nhận di dời để nhường toàn bộ đất cho dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân (có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỉ USD với tiêu chuẩn 5 sao quốc tế).

Thế nhưng hơn 2 năm, phần lớn người dân làng Vân được đưa vào sống ở khu nhà liền kề nhưng đến nay không được cấp sổ đỏ, chưa được chuyển đổi nghề nghiệp, nhà cửa đang bị nứt nẻ, dột nát rất khổ sở…
Da Nang, lang phong
 Dù mới đưa vào sử dụng hơn 2 năm nhưng nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, nứt nẻ. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Có khoảng 69 hộ dân làng phong này đang sinh sống tại khu nhà liền kề thuộc tổ 13, 14, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thanh Tú, tổ trưởng tổ 13, cho biết: “Hiện tại ở khu này có khoảng gần 20 nhà bị nứt, dột nghiêm trọng”.

Theo ông Tú, người dân ở làng Vân di dời vào ở đây đã được 2 năm 4 tháng. Tình trạng nhà bị nứt, nước tràn vào, sập la phông diễn ra từ năm 2013 đến nay.

Bà Đặng Thị Lai (73 tuổi) ở nhà E1, cho biết: “Nhà bị nứt lần lần từ năm đầu vào đây. Năm nay nó nứt nhiều lắm. Nứt ngang cả bên ngoài tường, trong nhà cũng nứt. Mưa lớn là nước theo khe nứt chảy vào lênh láng trong nhà”.

Da Nang, lang phong
 Nhà bà Lương Thị Sáu bị nứt nẻ, thấm nước. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Cạnh bên, bà Lương Thị Sáu (65 tuổi) ở nhà F1, cũng cho biết nhà bà bị nứt rất nhiều, nứt từ phòng giữa ra đến phòng bếp, phòng tiếp khách cũng nứt rất nhiều chỗ.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, phần lớn các ngôi nhà đầu hồi ở đây đều chung tình trạng bị nứt nẻ như vậy. Những ngôi nhà nằm ở giữa thì bị nhẹ hơn.

Ông Đặng Công Chúng, Phó chánh văn phòng UBND Q.Liên Chiểu, cho biết: “Trước đây việc thi công dãy nhà liền kề này không phải của quận mà là do đơn vị được UBND TP chỉ định.

Về phía sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, đang cho các đơn vị xuống kiểm tra để có báo cáo tổng hợp và xem xét phương án xử lý.

Không được cấp sổ đỏ 

Da Nang, lang phong
 Ông Nguyễn Thanh Tú cho biết cuộc sống của người dân làng Vân hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Tú nói: “Trước khi di dời dân vào, UBND Q.Liên Chiểu hứa sẽ cấp sổ đỏ cho dân trong vòng 45 ngày. Thế nhưng đến nay là 2 năm 4 tháng mà vẫn không thấy. Qua các đợt tiếp xúc cử tri thì họ vẫn hứa và đến nay thì hứa suông quá nhiều”.

Theo ông Tú, khu nhà liền kề được cấp cho mỗi hộ gia đình một căn nhà. Về phần đất phải nộp là 100% đối với người khỏe mạnh, 50% đối với người tàn tật.

Cũng theo ông Tú, dân làng Vân khi ở chỗ cũ có khoảng 140 hộ. Khi di dời để nhường đất cho dự án của công ty cổ phần Vinpearl thì thành phố bố trí nhận đất theo 2 cách, một là nhận ở khu nhà liền kề hoặc là nhận đất ở ngoài. Nhận đất ở khu nhà liền kề thì được xây nhà miễn phí còn nhận đất ở ngoài thì trả 100% tiền đất.

Da Nang, lang phong
 Mong muốn của vợ chồng ông bà Lai là có cái sổ đỏ để lỡ khi nhắm mắt cũng còn có chỗ cho con cháu ở. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Thế nhưng, miếng đất nhận ở ngoài của ông Tú đến nay theo ông này cho biết là cũng được chỉ trên bản đồ. “Lô đất của tôi không biết thực tế nó nằm ở đâu nên hiện tại tôi vẫn phải sống ở ngôi nhà khu liền kề của cha tôi. Chắc lô đất của tôi cũng bị ‘giấu’ trong hơn 14 ngàn lô đất vừa được thành phố công bố”, ông Tú nói.

Những người dân ở đây được hỏi đều có nguyện vọng tha thiết là làm cho xong sổ đỏ. Tuy nhiên, ông Đặng Công Chúng, Phó chánh văn phòng UBND Q.Liên Chiểu cho biết, việc này không còn liên quan đến quận mà nó thuộc vào văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc sở TN-MT.

Da Nang, lang phong
 Phía sau hai dãy liền kề. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc sở TN-MT TP.Đà Nẵng, nói: “Trách nhiệm quản lý địa bàn, khu dân cư thì địa phương họ đề nghị. Còn muốn cấp sổ đỏ thì nộp tiền vô. Sở này chỉ làm theo quy định của luật. Trường hợp đặc biệt thì UBND TP có chỉ đạo bằng văn bản. Nếu thành phố quan tâm cho họ thì tìm nguồn tiền vận động đâu đó hỗ trợ cho họ”.

Sống khó hơn chỗ cũ

Da Nang, lang phong
 Khu nhà liền kề của người dân làng Vân. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Tú nêu một loạt các khó khăn mà người dân làng Vân đang gặp phải khi được chuyển vào sống trong thành phố như: nhà cửa xuống cấp nhanh chóng, dân không được cấp sổ đỏ, tiền đền bù ít nên bây giờ người dân đã tiêu thâm…

“Đến nay, chính quyền vẫn chưa có phương án chuyển đổi ngành nghề cho người dân như đã hứa thế nên cuộc sống kinh tế của người dân bấp bênh và khó khăn hơn ở chỗ cũ”, ông Tú nói.

Da Nang, lang phong
 

Ông Tú cho biết, người dân làng Vân vào đây có 2 diện. Thứ nhất là người tàn tật được nhận bảo trợ xã hội theo 3 mức: 810.000 đồng/tháng, 610.000 đồng/tháng, 310.000 đồng/tháng nhưng dù ở mức cao nhất thì cũng không đủ sống. Diện thứ hai là con cháu (không bị bệnh phong, khỏe mạnh) thì chưa được chuyển đổi ngành nghề nên tự đi kiếm việc làm, được chăng hay chớ.

Bà Lương Thị Sáu hiện đang ở với con gái học lớp 11. Bà cho biết: “Tui bị bệnh nên không làm được gì cả. Muốn cho con đi học nên phải xin xỏ khắp anh em, người thân, nhịn ăn nhịn uống cho nó theo con chữ. Ở ngoài nớ (làng Vân) còn có con cá, miếng rau chứ vào đây cái gì cũng phải mua bằng tiền”.

Da Nang, lang phong
 Ảnh: Lê Đình Dũng.

Còn hai vợ chồng bà Đặng Thị Lai (73 tuổi) đều bị bệnh phong. Hai ông bà nhận trợ cấp xã hội 810.000 đồng/người/tháng. Mới đây bà Lai phải đi mổ nên tiền thuốc men, chữa trị cũng tốn…

Một lãnh đạo phòng LĐ-TB-XH Q.Liên Chiểu cho biết, câu chuyện chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ dân diện di dời tái định cư nói chung đã là rất khó chứ không riêng người dân làng Vân. Câu chuyện này hỏi phòng thì cũng bí, rất khó mà trả lời…
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng: Dân làng phong vẫn sống ‘kiếp long đong’