“Người Việt Nam thực chất khá giống với người Thụy Sỹ và người Việt Nam thì giống như người Thụy Sỹ tại ASEAN vậy”, ông Philipp Rosler, cựu Phó thủ tướng Đức nêu.

Cựu Phó thủ tướng Đức: Người Việt Nam như “Thụy Sỹ ở ASEAN”

Lam Thanh | 05/12/2021, 18:15

“Người Việt Nam thực chất khá giống với người Thụy Sỹ và người Việt Nam thì giống như người Thụy Sỹ tại ASEAN vậy”, ông Philipp Rosler, cựu Phó thủ tướng Đức nêu.

Việt Nam cần tập trung vào công nghệ

Tại ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'' ngày 5.12, cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Rosler tin tưởng rằng Việt Nam đang phục hồi từ khủng hoảng COVID-19. Ông cho rằng Việt Nam nên tập trung vào thế mạnh của mình, đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng sản xuất tuyệt vời. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải tập trung vào phát triển công nghệ.

Ông Philipp Rosler cho biết đã có nhiều mẫu điện thoại thông minh của Hàn Quốc được sản xuất tại Việt Nam và mới đây, Apple cũng đã quyết định đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam cũng có đội ngũ lao động tay nghề cao, tập trung vào công nghệ. Tôi nghĩ rằng đây chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Theo cựu chính trị gia này, có hai xu hướng chính mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới. Đầu tiên là phát triển bền vững, thứ hai là công nghệ, nói chính xác hơn là số hóa.

Về vấn đề phát triển bền vững, Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều ở khía cạnh này, bởi Việt Nam có nền nông nghiệp rất vững mạnh.

“Chúng ta đang tiến tới kỷ nguyên của những giải pháp nhanh hơn, bằng cách ứng dụng công nghệ, sử dụng các ứng dụng nhưng đồng thời chúng ta cũng sản xuất một cách bền vững. Điều này là rất tốt cho các sản phẩm của Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam, và cho cả nền kinh tế thế giới, khi chúng ta chú trọng đến việc sản xuất hàng hóa một cách bền vững”, Cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Rosler nói.

duc.jpeg
Cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Rosler phát biểu tại diễn đàn

Về mặt công nghệ, Việt Nam có nhiều start up và một cộng đồng doanh nghiệp rất trẻ trung và sáng tạo. Họ nên chú trọng vào công nghệ, làm thế nào để đưa những tiến bộ về công nghệ vào các ngành công nghiệp cơ bản. Ví dụ như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng và tất nhiên cả vào ngành sản xuất, chế biến chế tạo, và nông nghiệp.

Ông Philipp Rosler khuyến nghị Việt Nam nên giữ tinh thần lạc quan trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế; Việt Nam cũng có hệ thống pháp luật rất tốt và người dân Việt Nam được biết đến với sự thông minh, chăm chỉ và rất có tinh thần khởi nghiệp.

“Từ nền tảng xã hội như vậy, Việt Nam có thể đạt được hầu như tất cả mọi thứ. Mặc dù tôi là người Đức nhưng hiện nay tôi đang sống tại Thụy Sỹ và tôi có thể nói rằng, người Việt Nam thực chất khá giống với người Thụy Sỹ. Tất nhiên về hình thức, chúng ta không giống nhau, nhưng tư duy lại thực sự tương đồng. Đây là lý do tại sao nhiều người nói rằng, người Thụy Sỹ thì ở châu Âu và người Việt Nam thì giống như người Thụy Sỹ tại ASEAN vậy”, ông Philipp Rosler nêu.

Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

GS.Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu Trường kinh doanh IPAG, Paris, đề xuất một số chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phục hồi phát triển kinh tế.

Theo ông Khương, đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy tăng năng suất, tăng hiệu quả và từ đó sản xuất được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn. Khi đạt đến 1 trình độ cao chúng ta tiến đến đổi mới, đột phá, điều này cho phép chúng ta tạo ra chuỗi giá trị, lợi thế cạnh tranh và có thể thay thế những sản phẩm cũ.

“Điều chúng ta phải chú ý là việc đổi mới sáng tạo chỉ tốt khi nằm trong một hệ sinh thái sáng nghiệp và văn hóa sáng nghiệp. Cần nhận thức rõ vai trò phải đào tạo văn hóa, đào tạo kiến thức về sáng lập doanh nghiệp cho lớp doanh nhân tiếp theo. Ngoài ra, phải tập trung vào đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến khoa học công nghệ mà còn liên quan trực tiếp đến thể chế về kinh tế - chính trị; xã hội… có sự đan xen, tương tác lẫn nhau”, ông Khương nói.

Khi nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế, ông Khương thấy rằng tồn tại tam giác thành công cho chiến lược xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm 3 mũi nhọn: Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, tăng tốc trong chuyển đổi số; có thái độ với rủi ro rõ ràng hơn; chính sách và môi trường đổi mới sáng tạo; khung pháp lý về thuế và thương mại nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển dựa trên việc tạo khung pháp lý về số hóa, đơn giản thủ tục hành chính cho khởi nghiệp, sáng lập doanh nghiệp.

duc-2.jpg
Toàn cảnh diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021

Theo ông Khương, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở đây sẽ là một không gian bao gồm tất cả những con người, quy trình và quy tắc của trò chơi cần thiết để thực hiện đổi mới tăng năng suất, hiệu quả. Tức là sử dụng ít đầu vào nhưng tạo được nhiều của cải, sản phẩm hơn

Chuyên gia này cũng nhìn nhận, COVID-19 tạo ra nhiều thách thức cho đổi mới và sáng tạo. Trong đó có thách thức dành riêng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đó là sự suy giảm về nhu cầu dẫn đến việc hạn chế đầu tư vào R&D, đổi mới sáng tạo.

Ông Khương cho rằng những đổi mới sáng tạo buộc phải tập trung vào vấn đề đổi mới mang tính chất dự báo thị trường tương lai, đổi mới có tính thích ứng gắn chặt chẽ với yêu cầu, bài toán từ nền kinh tế; giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội mới: biến đổi khí hậu, bảo mật thông tin, đảm bảo niềm tin trong môi trường số, ưu tiên những người nghèo nhất và không bỏ lại ai phía sau…

GS Nguyễn Đức Khương kiến nghị, kiến tạo môi trường vĩ mô (mở rộng đầu tư vào R&D, khuyến khích đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới do các đại học, tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp phối hợp; thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện có để tạo ra các doanh nghiệp và việc làm mới…); hỗ trợ doanh nghiệp thực thi đổi mới.

Trong đó, chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh (đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng, kinh doanh theo hướng bền vững, có khả năng kháng cự với các cú sốc, tạo sự khác biệt được người tiêu dùng quan tâm đánh giá cao), thu hút nhân tài, đầu tư công nghệ và dữ liệu lớn, chuyển đổi số, thúc đẩy dịch vụ lưu động.

“Chỉ có sự gắn kết chặt chẽ con người – quy trình – luật chơi mới tạo ra được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giải quyết hiệu quả các thách thức hiện tại và tương lai”, GS.Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Phó thủ tướng Đức: Người Việt Nam như “Thụy Sỹ ở ASEAN”