Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc

Lam Thanh | 02/12/2021, 11:30

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.

Ngày 2.12, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 với chủ đề "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp" được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng hiện nay, kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.

Theo ông Đoàn, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.

“Thông tin minh bạch, chính xác, kết nối sản xuất cung – cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường, về tiến bộ khoa học và công nghệ, quản trị sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công”, ông Đoàn nêu.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân, nhìn từ các làn sóng dịch COVID-19 ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển.

Năm 2021 lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng. Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, trong giai đoạn cao điểm của bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thương mại điện tử là kênh hiệu qủa nhất để người dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.

luong-doan.jpg
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Thống kê cho thấy, đến tháng 11.2021 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện.

“Điều đó cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Chuyển đổi số là một tiến trình dài và để có được hiệu quả trên cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương”, ông Đoàn nói.

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, về tiềm năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, Indonesia đang là nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á, với mua sắm trực tuyến ở nước này được dự báo tăng gấp đôi lên mức 146 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, Việt Nam mới là quốc gia được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) của nền kinh tế số Việt nam được dự báo sẽ tăng gấp gần 3 lần trong vòng 4 năm tới.

Mặc dù vậy, theo ông Thắng, trình độ công nghệ chung của cả nước thấp. Khảo sát mới đây cho thấy chỉ có 23% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ.

Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), tỷ lệ nhập khẩu công nghệ ở Việt Nam chỉ 10%, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80-90, 75% đã hết khấu hao; năm 2019, kỹ năng kỹ thuật số của Việt Nam đạt 3,8/7 xếp hạng 97/141).

Trong khi đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả (hiện nay ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ chiếm 0,6% GDP, còn châu Âu năm 2013 là 2,01%, Nhật Bản năm 2013 là 3,47%, Mỹ năm 2012 là 2,81%...

“Trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được qua tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa”, TS Trần Công Thắng nhận định.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, ông Trần Công Thắng đề xuất một số giải pháp như: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

Bài liên quan
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc