Hãng Reuters ghi nhận cuộc chiến suốt 2 năm qua đã khiến cuộc sống tại Ukraine thay đổi mạnh mẽ: nhiều người vợ thành góa phụ, nhiều cha mẹ trông chờ con trở về, lớp học trống rỗng, chủ nông trại không thể tìm đủ lao động làm việc...
Quốc tế

Cuộc sống tại Ukraine trong 2 năm chiến tranh

Cẩm Bình 23/02/2024 19:30

Hãng Reuters ghi nhận cuộc chiến suốt 2 năm qua đã khiến cuộc sống tại Ukraine thay đổi mạnh mẽ: nhiều người vợ thành góa phụ, nhiều cha mẹ trông chờ con trở về, lớp học trống rỗng, chủ nông trại không thể tìm đủ lao động làm việc...

Tại làng Lozuvatka cách tiền tuyến khoảng 100km, khắp nơi đều có dấu vết chiến tranh. Alona Onyshchuk cùng con gái 5 tuổi Anhelina đến viếng nghĩa trang vào một ngày mùa đông. Đây là nơi người chồng Serhii Aloshkin của cô cùng 10 người lính khác yên nghỉ tại khu riêng dành cho binh sĩ hy sinh. Những khu chôn cất như vậy xuất hiện khắp đất nước, là minh chứng cho cuộc chiến khốc liệt chưa thấy hồi kết.

Thương vong là bí mật quốc gia, tuy nhiên phương Tây ước tính Ukraine mất khoảng 70.000 binh sĩ, và 140.000 binh sĩ khác bị thương. Ngoài thương vong thì chiến tranh còn tác động đến mọi mặt của cuộc sống. Bà Onyshchuk bỏ việc ở cửa hàng tạp hóa lúc mang thai Anhelina, bà khó tìm việc mới hơn do trường mẫu giáo địa phương đã đóng cửa.

Dù tên lửa và máy bay không người lái Nga hiếm khi bắn vào Lozuvatka, nhưng vì nằm gần thị trấn sản xuất thép trọng điểm Kryvyi Rih thường bị tấn công, nên cư dân làng thường nghe thấy còi báo động.

cuoc.jpg
Khu chôn cất binh sĩ hy sinh trong nghĩa trang làng Lozuvatka - Ảnh: Reuters

Tại một trong 3 trường học của Lozuvatka, giáo viên Svitlana Anisimova ngồi trong một phòng trống dạy qua máy tính. Tháng 8 năm ngoái, Quỹ trẻ em Liên Hợp Quốc (UNICEF) xác định chỉ 1/3 số trẻ em Ukraine trong độ tuổi đi học được dự đầy đủ buổi học trực tiếp. Hơn 1.300 trường ở các vùng lãnh thổ Ukraine do Kyiv kiểm soát đã bị phá hủy hoàn toàn.

Anisimova nhận định học trực tuyến không thể thay thế học trực tiếp. Hình thức này không chỉ ảnh hưởng đến việc học mà còn làm mất đi cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp.

Theo hiệu trưởng Iryna Pototska, khoảng 40 trên tổng số 136 học sinh của trường có phụ huynh đang phục vụ quân đội. Bản thân bà cũng cùng phụ nữ địa phương chuẩn bị hộp thức ăn, nước uống cùng lưới ngụy trang gửi cho lực lượng vũ trang. Các nhóm tình nguyện như vậy tạo nên mạng lưới hậu cần vô cùng quan trọng.

Một giáo viên khác là Yuliia Samotuha phụ trách điều phối. Cô nhận yêu cầu từ quân đội rồi phân công công việc cho từng hộ gia đình. Nữ giáo viên chia sẻ: “Khi bận rộn, đôi khi bạn không còn nghĩ đến chiến tranh nữa”.

Lozuvatka thay đổi rất lớn từ khi cuộc chiến nổ ra. Samotuha không còn liên lạc với vài người bạn vì họ không sẵn sàng giúp đỡ quân đội, nhưng cô lại thân thiết thêm với nhiều người khác.

Hàng nghìn người chưa trở về

Ukraine xác định có khoảng 8.000 người (cả quân nhân lẫn dân thường) bị Nga giam giữ do cuộc chiến hiện tại.

Khoảng 300 người, hầu hết là quân nhân, đã được trả tự do trong vài chục đợt trao trả tù binh. Nhưng vẫn còn hàng nghìn gia đình đang mòn mỏi chờ tin người thân, trong số đó có hai cư dân của Lozuvatka là Tetiana Terletska và Yurii Terletskyi. Con trai 29 tuổi Denys của họ gia nhập vệ binh quốc gia năm 2021, bị bắt lúc chiến đấu ở thành phố cảng Mariupol năm 2022.

Tham gia một cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ tìm mọi cách giải cứu người bị bắt, Terletska phát biểu: “Chúng tôi muốn chứng tỏ không ai quên họ cả. Chúng tôi sẽ luôn chiến đấu vì họ giống như họ đã chiến đấu vì chúng tôi”.

Cặp vợ chồng già luôn lo lắng về số phận con trai mình, thứ xoa dịu họ là niềm hy vọng một ngày nào đó Denys trở về.

Thiếu lao động

Mất đi lượng lớn lao động vì chiến tranh, chủ nông trại Oleksandr Vasylchenko lo ngại sẽ sớm có thêm người rời đi. Ông sợ máy móc thu hoạch hoa hướng dương, lúa mì và lúa mạch bị hỏng.

Chính quyền Lozuvatka thống kê hơn 1/3 lao động nông nghiệp lành nghề của làng đã nhập ngũ. Vasylchenko cho biết rất nhiều thợ cơ khí bị gọi nhập ngũ, ông hiện phải dùng tiền tiết kiệm để duy trì nông trại.

Tình cảnh lúc này đặt chính phủ Ukraine vào thế khó xử: họ cần huy động thêm quân bù đắp số thương vong, nhưng nếu huy động quá nhiều thì nền kinh tế vốn bị tàn phá nặng nề sẽ thiệt hại hơn nữa.

2 năm qua Lozuvatka đón thêm rất nhiều người tị nạn, trong đó có Anastasiia và Oleksandr Korobchenko. Họ từ vùng Luhansk đến ở tạm nhà bạn khi Nga phát động cuộc chiến.

Theo nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, Ủy ban châu Âu cùng chính phủ Ukraine hợp tác thực hiện, chiến tranh khiến 3,7 triệu người Ukraine rời bỏ nhà cửa đến nơi khác trên lãnh thổ nước này tị nạn, đồng thời 5,9 triệu người khác ra nước ngoài.

Gia đình Korobchenko đã tìm được việc làm tại Lozuvatka, nhưng họ chưa muốn sinh con vì tương lai phía trước còn quá vô định.

Bài liên quan
Khi Mỹ trao 'gươm báu' ATACMS cho Ukraine: Ai đang trả giá trên chiến trường?
Cuộc chiến Nga-Ukraine đang chuyển biến theo hướng ngày càng phức tạp và căng thẳng, đặc biệt sau khi Washington chính thức bật đèn xanh cho Kyiv sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
7 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc sống tại Ukraine trong 2 năm chiến tranh