Các địa phương cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển "nóng" loại cây cây ăn quả có múi, nhất là tại các vùng không phù hợp, trích khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PT-NT).

Cục Trồng trọt khuyến cáo hạn chế phát triển 'nóng' các loại cây ăn quả có múi

07/02/2019, 09:18

Các địa phương cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển "nóng" loại cây cây ăn quả có múi, nhất là tại các vùng không phù hợp, trích khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PT-NT).

Ảnh minh họa từ Internet

Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2019 này ngành sẽ phấn đấu đưa diện tích cây ăn quả đạt 1 triệu ha.

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, cơ quan quản lý ngành trồng trọt tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Bên cạnh đó là tăng cường sơ chế, chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đối với một số mặt hàng trái cây tươi như thanh long, nhãn, xoài…

Năm loại cây trái tại các tỉnh phía Nam gồm thanh long, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn sẽ được đẩy mạnh rải vụ. Đặc biệt qua đây sẽ có những báo cáo tổng kết đánh giá, đưa ra các quy trình rải vụ phù hợp cho từng cây trồng và vùng sản xuất; đẩy mạnh dự báo thị trường trong nước và xuất khẩu để việc tiến hành rải vụ đạt hiệu quả.

Riêng đối với các loại cây có múi, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích và phát triển "nóng", nhất là tại các vùng không phù hợp.

Cần duy trì quy mô diện tích hiện có ở vùng trồng thích hợp, rà soát và vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh; hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khác có hiệu quả đối với diện tích phân tán, tại các vùng không phù hợp.

Các vườn trồng chú trọng nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt, giống phục vụ chế biến; xây dựng cơ cấu giống cam rải vụ thu hoạch như: giống chín sớm, chính vụ và chín muộn. Đặc biệt là sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, sạch bệnh.

Năm 2018, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt 969.400 ha, tăng 48.000 ha so với năm 2017. Diện tích cây ăn quả tăng chủ yếu tập trung ở nhóm cây có múi như cam, bưởi, quýt; các loại cây khác như xoài, thanh long, nhãn cũng có diện tích tăng khá. Do đó, sản lượng hầu hết các loại cây ăn quả đều tăng.

Nhằm giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ, 5 loại cây ăn quả chủ lực ở các tỉnh phía Nam là thanh long, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn đã có những kế hoạch sản xuất rải vụ. Điển hình như với thanh long, 3 tỉnh là Bình Thuận, Tiền Giang, Long An có trên 47.000 ha; trong đó, đã có gần 30.000 ha sản xuất rải vụ. Hay diện tích canh tác chôm chôm của 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long có trên 9.000 ha; trong đó, gần 76% diện tích (trên 5.700 ha) cũng sản xuất rải vụ…

Nhìn lại năm 2018, thị trường trái cây của Việt Nam được xem là năm có nhiềuthuận lợi nên sản lượng nhiều loại trái cây như vải, nhãn, cam, xoài, chôm chôm… đều tăng cao so với các năm. Tuy nhiên, đầu ra vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Do đó xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2018 không thể tăng mạnh như những năm trước. Giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 đạt 3,8 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với trên 73% thị phần.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cục Trồng trọt khuyến cáo hạn chế phát triển 'nóng' các loại cây ăn quả có múi