Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết, việc Việt Nam trở thành một thành viên của UNCITRAL cho thấy thế giới ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam từ góc độ pháp luật tư liên quan tới thương mại cũng như vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

‘UNCITRAL giúp Việt Nam thêm nhiều kinh nghiệm xây dựng pháp luật thương mại’

06/02/2019, 19:25

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết, việc Việt Nam trở thành một thành viên của UNCITRAL cho thấy thế giới ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam từ góc độ pháp luật tư liên quan tới thương mại cũng như vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

UNCITRAL là cơ chế hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện, thảo luận những vấn đề pháp lý trong thương mại quốc tế - Ảnh: Internet

Tại cuộc bầu cử trong khuôn khổ khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên hợp Quốc diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 18.12 (theo giờ Hà Nội), với số phiếu 157/193, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, việc lựa chọn thành viên UNCITRAL được thực hiện thông qua bỏ phiếu tại đại hội đồng do có nhiều ứng cử viên hơn số ghế tại nhóm châu Á - Thái Bình Dương và nhóm các nước Tây Âu.

UNCITRAL là cơ quan chuyên môn pháp lý được Đại hội đồng Liên hợp Quốc lập ra từ năm 1966 với mục đích và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.

Việc trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp Quốc (năm 2016), trở thành thành viên UNCITRAL đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập pháp lý đa phương, chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi ở cấp độ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Hơn nữa, vai trò trong UNCITRAL cũng tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn hiện khuôn khổ pháp luật trong nước theo hướng phù hợp với chuẩn mực chung, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết, việc Việt Nam trở thành một thành viên của UNCITRAL cho thấy thế giới ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam từ góc độ pháp luật tư liên quan tới thương mại cũng như vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo bà Trang, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia và có dấu ấn trong việc hình thành các quy định pháp luật mới trong phạm vi của ủy ban này. Ngoài ra, nếu được thực hiện hiệu quả, việc tham gia vào UNCITRAL cũng có thể giúp chúng ta có nhiều kiến thức, thông tin để xây dựng pháp luật thương mại nội địa tốt hơn, chất lượng hơn, phù hợp với xu hướng thế giới.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cần chú ý các quy định pháp luật được xây dựng trong khuôn khổ UNCITRAL là các quy định điều chỉnh mối quan hệ tư giữa các thương nhân, chủ thể kinh doanh quốc tế (ví dụ các vấn đề về hợp đồng thương mại, về giải quyết tranh chấp giữa các thương nhân, vận chuyển hàng hóa, giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế…).

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho hay, Việt Nam đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia các cơ chế pháp lý quốc tế, trong đó có các cơ chế pháp lý của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia làm quan sát viên của UNCITRAL được nhiều năm. Trong quá trình chuẩn bị ứng cử, Việt Nam cũng đã vận động sự ủng hộ từ nhiều thành viên của Liên Hợp Quốc thông qua nhiều kênh và diễn đàn khác nhau.

Theo ông Trung, Việt Nam đã có sự cạnh tranh với các nền kinh tế lớn, có nhiều năm kinh nghiệm tham gia vào uỷ ban này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia... Đây cũng là lần đầu tiên UNCITRAL phải tiến hành bỏ phiếu với khu vực mà số ứng cử viên nhiều hơn số ghế. Đối với nhóm khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời điểm ban đầu có 11 ứng cử viên, sau đó rút xuống còn 9 cho 7 vị trí.

Ông còn nhận định với việc trở thành thành viên của UNCITRAL, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn, chủ động hơn vào việc định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn thảo luận, đàm phán phù hợp với lợi ích của quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, việc tham gia UNCITRAL sẽ giúp Việt Nam tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, tri thức để vận dụng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thực thi tốt hơn những công ước trong nước cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành của chính phủ.

UNCITRAL là cơ chế hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý trong thương mại quốc tế

Cách làm việc của UNCITRAL cũng khá chặt chẽ, được tổ chức ở 3 cấp độ. Cấp độ 1 (cao nhất) mà Ủy ban tổ chức là phiên họp toàn thể hàng năm. Cấp độ 2 là nhóm làm việc liên chính phủ phát triển các chủ đề trong chương trình làm việc của UNCITRAL giúp đơn giản hóa các giao dịch thương mại và giảm chi phí liên quan.

Cấp độ cuối cùng là các nhóm làm việc đảm nhận công việc chuẩn bị thực chất về các chủ đề trong chương trình làm việc của UNCITRAL. Thành viên của các nhóm làm việc bao gồm tất cả các thành viên của UNCITRAL. Một nhóm làm việc thường họp hai lần một năm, tổ chức một phiên mùa xuân ở New York và một phiên mùa thu ở Vienna.

Có tất cả 7 nhóm làm việc: Nhóm 1 về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; nhóm 2 về trọng tài và hòa giải / giải quyết tranh chấp; nhóm 3 về cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước; nhóm 4 về thương mại điện tử; nhóm 5 về Luật không có khả năng thanh toán; nhóm 6 về quyền lợi bảo mật và nhóm 7 là về các vấn đề khác.

UNCITRAL ra đời và đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và thúc đẩy việc sử dụng, áp dụng các công cụ lập pháp và phi lập pháp trong một số lĩnh vực chính của luật thương mại. Ban đầu, UNCITRAL chỉ có 29 quốc gia thành viên và được mở rộng thành 36 thành viên vào năm 1973. 9 năm sau, số thành viên của Ủy ban này đã tăng gần gấp đôi, lên con số 60 thành viên.

Các quốc gia thành viên của UNCITRAL đại diện cho các truyền thống pháp lý và mức độ phát triển kinh tế khác nhau, cũng như các khu vực địa lý khác nhau, bao gồm: 12 quốc gia châu Phi, 15 quốc gia châu Á, 18 quốc gia châu Âu, 6 quốc gia Mỹ Latinh - Caribbean và 1 quốc gia châu Đại dương; được bầu bởi Đại hội đồng Liên hợp Quốc. Các thành viên của ủy ban thường được bầu theo nhiệm kỳ 6 năm và chia rẽ cứ 3 năm thì lại bầu lại 1/2 số thành viên.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘UNCITRAL giúp Việt Nam thêm nhiều kinh nghiệm xây dựng pháp luật thương mại’