Chiều 9.11 Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế 63 tỉnh thành, khẳng định Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người”. Vậy thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” thực sự là cái gì?
Công văn còn nêu: Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnhthành tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý; phối hợp với các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an... tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.
Cụm từ thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” lập tức làm nóng dư luận rất mạnh mẽ. Nhiều người tỏ ý rất phẫn nộ khi thuốc được làm theo cách có vẻ thiếu nhân văn. Phản ứng kinh hãi này không khác gì dư luận ban đầu tiếp nhận thông tin về một quán hàng chay ở Thái Lan bán đồ ăn có thịt người từ một vụ án mạng trong quán. Sau đó, tin đó được xác định là fake news (tin vịt) trước ngày Halloween.
Trở lại văn bản của Cục Quản lý dược, vậythông tin thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” được lấy từ đâu. Theo chính công văn thì lấy tin từ việc "Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người. Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh nan y giai đoạn cuối".
Và theo tìm hiểu của báo điện tử Một Thế Giới thì cái gọi là thành phần thịt người thực chất chỉ là nhau thai.
Bà Mojisola Adeyeye, Tổng giám đốc của NAFDAC - Cơ quan Quản lý và kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Nigeria hồi cuối tháng 10 cho biết cơ quan này đã liên lạc ngay lập tức với các cơ quan của Trung Quốc và Hàn Quốc để xác minh một số loại thuốc từ Trung Quốc được chế tạo từ các bộ phận của cơthể người và được nhập khẩu vào Nigeria. Bà Adeyeye nói"thuốc làm từ bộ phận cơ thểngười" làlàm từ nhau thai, thứ được các nước Đông Á dùng từ lâu.
"Họ nói rằng loại thuốc này là một chất liệu sinh học. Nhưng chúng tôi đã nói với họ rằng những gì tốt cho người châu Á có thể không tốt cho người châu Phi bởi vì chúng tôi có những khuynh hướng di truyền khác. Và họ nói rằng họ đã sản xuất thuốc trong hàng ngàn năm, các loại thuốc đó được sản xuất hàng triệu liều. Rất có thể thuốc được bán đó giống như thuốc y học cổ truyền”, bà Adeyeye giải thích.
Với nhau thai làm thuốc thì người Nigeria có thể hơi lạ nhưng với người Việt Nam thì có lẽ không có gì bất ngờ. Trong y học cổ truyền, bánh nhau khô được gọi là “tử hà sa”, có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh. Tử hà sa dùng để chữa các bệnh suy nhược, gầy yếu, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa khi sinh nở, nam giới bị di tinh, liệt dương… Tuy nhiên, y học hiện đại cho rằng nhau thai cũng không có công dụng kỳ diệu như đồn thổi mà còn cảnh báo nguy cơ ăn nhau thai của người lạ. Tạp chí Parents (Mỹ) cảnh báo: "Bất kỳ nhiễm trùng nào trong máu cũng đều truyền vào nhau thai. Do đó, việc ăn nhau thai của người khác sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Trừ khi bạn xử lý đúng cách để loại bỏ các mầm bệnh, nếu không bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao”.
Ở đây, chúng tôi cũng không bàn đến tác dụng của nhau thai hay thuốc làm từ nhau thai mà chỉ muốn nói đến văn bản của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Đáng ra, một cơ quan quản lý về thuốc cần phải tìm hiểu thông tin kỹ càng để dùng từ một cách chính xác,thể hiệnđúngbản chất sự việc và giúp người dân hiểu rõ thông tin. Thế nhưng, việc Cục dùng cụm từ thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” mà không giải thích là "nhau thai" thực sự khiến người dân thêm hoang mang trong bối cảnhthị trường thuốc đầy vấn đề như hiện nay.
Anh Tú