Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA), nhóm thương mại do chính phủ hậu thuẫn, cho biết động thái gần đây của Nhật Bản nhằm mở rộng các hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip tiên tiến sẽ “mang đến những bất ổn lớn hơn” cho ngành công nghiệp chip toàn cầu.

CSIA: Trung Quốc sẽ đáp trả Nhật vì hạn chế xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến

Sơn Vân | 29/04/2023, 21:30

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA), nhóm thương mại do chính phủ hậu thuẫn, cho biết động thái gần đây của Nhật Bản nhằm mở rộng các hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip tiên tiến sẽ “mang đến những bất ổn lớn hơn” cho ngành công nghiệp chip toàn cầu.

Trong tuyên bố bằng tiếng Trung và tiếng Anh hôm 28.4, CSIA cho biết họ “phản đối hành động can thiệp vào tự do hóa thương mại toàn cầu và làm sai lệch cán cân cung cầu”.

CSIA hy vọng rằng chính phủ Nhật Bản tuân thủ các nguyên tắc thương mại tự do và không lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để gây phương hại đến mối quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc với Nhật Bản”, CSIA viết.

Hôm 28.4, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), một nhóm thương mại khác do chính phủ hậu thuẫn, đã đưa ra tuyên bố song ngữ tương tự, gọi động thái của Nhật Bản là “phân biệt đối xử” với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. CCPIT cho biết hành động của Nhật Bản "rõ ràng là vi phạm các quy tắc quốc tế".

Các tuyên bố được CSIA và CCPIT đưa ra sau khi chính phủ Nhật Bản hôm 31.3 cho biết có kế hoạch hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn, với mục đích đưa các quy định kiểm soát thương mại công nghệ nước này vào cùng hướng với nỗ lực của Mỹ hạn chế Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với 6 loại thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip, bao gồm cả làm sạch, lắng đọng, in thạch bản và khắc.

Theo hãng tin Reuters, Bộ này không nêu tên Trung Quốc là mục tiêu của những biện pháp đó, nói rằng các nhà sản xuất thiết bị sẽ cần phải xin phép xuất khẩu cho tất cả khu vực.

"Chúng tôi đang hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia công nghệ để đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế", Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo, nói thêm rằng mục tiêu của họ là ngăn chặn công nghệ tiên tiến được sử dụng cho mục đích quân sự.

Sẽ có hiệu lực vào tháng 7, các hạn chế xuất khẩu có khả năng ảnh hưởng đến thiết bị do nhiều công ty Nhật Bản sản xuất, chẳng hạn Nikon Corp, Tokyo Electron Ltd, Screen Holdings Co Ltd và Advantest Corp.

"Chúng tôi cho rằng tác động với các công ty trong nước sẽ hạn chế. Chúng tôi không nghĩ đến một quốc gia cụ thể nào với các biện pháp này", Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo.

Từng thống trị sản xuất chip nhưng đã chứng kiến thị phần toàn cầu giảm xuống còn khoảng 10%, Nhật Bản vẫn là nhà cung cấp chính máy sản xuất chip và vật liệu bán dẫn.

Tokyo Electron và Screen Holdings tạo ra khoảng 1/5 công cụ sản xuất chip trên thế giới, còn Shin-Etsu Chemical Co Ltd và Sumco Corp sản xuất hầu hết các tấm silicon.

trung-quoc-se-tra-dua-nhat-vi-han-che-xuat-khau-cac-thiet-bi-san-xuat-chip-tien-tien1.jpg
Nhật Bản bắt tay với Mỹ hạn chế xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc - Ảnh: Internet

Nhật Bản đưa ra quyết định trên sau khi Mỹ vào tháng 10.2022 áp đặt các hạn chế sâu rộng việc xuất khẩu công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc với lý do lo ngại rằng nước này có kế hoạch sử dụng chất bán dẫn tiên tiến để tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, Mỹ cần Nhật Bản và Hà Lan, hai nhà cung cấp chính các thiết bị như vậy, tham gia để những hạn chế đó có hiệu lực.

Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đã đạt được thỏa thuận vào tháng 1 để hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, một động thái sẽ cản trở tham vọng của Bắc Kinh nhằm củng cố sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Các nguồn tin cho biết Nhật Bản và Hà Lan vào tháng 1 đã đồng ý cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc có thể được sử dụng để tạo chip dưới 14 nanomet, nhưng không công bố hiệp ước này để tránh chọc giận Bắc Kinh. Nhật Bản chưa bao giờ công khai thừa nhận rằng đã có một thỏa thuận.

Một nanomet (một phần tỉ mét) dùng để chỉ công nghệ cụ thể của ngành bán dẫn, với ít nanomet hơn đồng nghĩa chip tiên tiến hơn.

Sau khi thông tin trên lan truyền, các công ty bán dẫn Trung Quốc đã tranh nhau dự trữ thiết bị sản xuất chip, phụ tùng thay thế và các vật liệu liên quan khác. Lý do vì nhiều công ty Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các công cụ nhập khẩu trong hoạt động sản xuất của họ bất chấp việc Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu tự chủ về công nghệ.

Vào tháng 4, Trung Quốc đã kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xem xét lại thỏa thuận Mỹ - Hà Lan - Nhật Bản, nói rằng nó có thể vi phạm “nguyên tắc cởi mở và minh bạch” của WTO, theo CCTV (Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc).

Một quan chức của Bộ thương mại Trung Quốc nói trong cuộc họp video với các đối tác Nhật Bản vào tháng 2 rằng, Trung Quốc hy vọng Nhật Bản có thể cung cấp cho các doanh nghiệp môi trường kinh doanh “công bằng, không phân biệt đối xử và có thể dự đoán được”, đồng thời bảo vệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Các lời kêu gọi ngày càng nhiều ở Trung Quốc nhấn mạnh nguy cơ tiềm tàng từ việc Mỹ gia tăng áp lực với ngành công nghiệp bán dẫn nước này. Năm ngoái, Mỹ đã hạn chế hơn nữa khả năng của Trung Quốc trong việc có được chip tiên tiến và ban hành đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) để tăng cường khả năng sản xuất công nghệ cao của Mỹ.

Hôm 28.4, CSIA cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đáp trả thích đáng với các hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến của Nhật Bản.

CSIA cam kết bảo vệ các quyền hợp pháp của 900 thành viên của mình và sẽ kêu gọi chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp đáp trả kiên quyết”, CSIA tuyên bố.

Ngoài ra, CSIA cũng cho biết các công ty Nhật Bản có thể “chịu thiệt hại đáng kể” do lợi nhuận giảm vì biện pháp kiểm soát xuất khẩu theo kế hoạch của chính phủ nước này, dẫn đến ngân sách dành cho đổi mới công nghệ ít hơn và làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.

trung-quoc-se-tra-dua-nhat-vi-kiem-soat-xuat-khau-cac-thiet-bi-san-xuat-chip-tien-tien.jpg
Công nhân cầm chip bán dẫn tại một doanh nghiệp vi điện tử ở thành phố Hải An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Trong một lá thư gửi Quốc hội tháng 3, chính phủ Hà Lan cũng cho biết có kế hoạch hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip. ASML của Hà Lan là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới và công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất châu Âu. ASML gần như độc quyền trong việc sản xuất các máy in thạch bản tiên tiến, cần thiết cho việc sản xuất các chip tiên tiến.

Cáo buộc Mỹ là "sử dụng quyền lực để kiểm soát các công nghệ tiên tiến" vì những hạn chế xuất khẩu của họ, Trung Quốc kêu gọi Hà Lan "không tuân theo biện pháp kiểm soát xuất khẩu của một số quốc gia".

Vào ngày 8.3, chính phủ Hà Lan cho biết rằng sẽ hạn chế xuất khẩu máy in thạch bản bằng tia cực tím sâu (DUV) sang Trung Quốc. Đây là những máy tiên tiến thứ hai của ASML.

ASML chưa bao giờ xuất khẩu những máy tiên tiến nhất của công ty, máy in thạch bản cực tím (EUV), sang Trung Quốc.

Với sự phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ đã kết luận rằng an ninh quốc gia cần phải mở rộng kiểm soát xuất khẩu hiện có với thiết bị sản xuất chất bán dẫn cụ thể”, Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher viết trong thư gửi cho các nhà làm luật Hà Lan.

ASML gửi 18% số đơn đặt hàng đến Trung Quốc, theo trang Politico Europe. Điều này cho thấy Trung Quốc là một thị trường quan trọng với ASML.

Trong bức thư gửi các nhà làm luật Hà Lan, Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher nói rằng lệnh cấm sẽ “ngăn hàng hóa Hà Lan góp phần vào mục đích sử dụng cuối không mong muốn, chẳng hạn như triển khai quân sự hoặc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Giữa tháng 3, Valdis Dombrovskis - Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm cao ủy phụ trách thương mại của EU, cho biết Hà Lan đã liên hệ với Ủy ban châu Âu về việc hạn chế chip.

Valdis Dombrovskis nói: “Hà Lan có vai trò hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ này và chúng tôi biết về thông báo gần đây của họ về các biện pháp kiểm soát mới trong lĩnh vực này liên quan đến chip tiên tiến và các công cụ để sản xuất chúng có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực quân sự”.

Hà Lan đã liên hệ với Ủy ban về chủ đề này. Chúng tôi đang phân tích cẩn thận thông báo. Chúng tôi luôn theo dõi chặt chẽ các diễn biến trong khu vực này và liên hệ chặt chẽ với các quốc gia thành viên cũng như các đồng minh của chúng tôi”, ông nói thêm.

Chuyến thăm của Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, tới Trung Quốc cuối tháng 3 khó có thể xoa dịu nỗi đau cho ngành công nghiệp chip nước này vốn đang bị ảnh hưởng bởi những hạn chế ngày càng khắt khe của Mỹ.

Ông Peter Wennink đã gặp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Vương Văn Đào hôm 28.3. Trung Quốc nói với Peter Wennink rằng muốn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty nước ngoài, nơi ASML có thể duy trì niềm tin và giúp đảm bảo sự ổn định của chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, theo một tuyên bố từ Bộ thương mại Trung Quốc.

Chuyến đi Trung Quốc của Peter Wennink không được chú ý nhiều và cuộc gặp với Bộ trưởng Vương Văn Đào là phần duy nhất được thông báo công khai trong chuyến thăm.

Peter Wennink không đưa ra bất kỳ bài phát biểu nào và không tham gia cuộc phỏng vấn nào của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Điều này làm nổi bật sự nhạy cảm về vị trí ASML trong các kế hoạch phát triển chip của Trung Quốc.

ASML từ chối bình luận về chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của ông Peter Wennink.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến đi của Peter Wennink không có khả năng thay đổi tình hình hiện tại.

He Hui, Giám đốc nghiên cứu chất bán dẫn của công ty tư vấn công nghệ độc lập Omdia, cho biết: “ASML coi Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng ở châu Á và cùng với nhiều công ty châu Âu, họ muốn tập trung vào khía cạnh kinh doanh. Song trong môi trường hiện tại, ASML phải tìm ra một cách cân bằng hơn cho sự phát triển của mình ở Trung Quốc, đồng thời giảm tác động chính trị”.

Cùng với hãng sản xuất bản in thạch bản Nikon Corp và nhà cung cấp công cụ sản xuất chip Tokyo Electron (đều ở Nhật Bản), ASML được cho là công ty quan trọng nhất với nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế tham vọng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Bài liên quan
Nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 22,9% trong quý 1/2023 do các lệnh trừng phạt từ Mỹ
Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 22,9% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chậm lại và chính quyền Biden gia tăng nỗ lực hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang cường quốc châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CSIA: Trung Quốc sẽ đáp trả Nhật vì hạn chế xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến