Cuộc đánh giá an ninh mạng của Bắc Kinh với Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ, mở ra cơ hội cho các công ty Trung Quốc để lấp đầy bất kỳ khoảng trống tiềm năng nào trên thị trường, theo các nhà phân tích và thương nhân địa phương.

Nếu Trung Quốc cấm bán sản phẩm của hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ, các công ty nội địa có cơ hội trỗi dậy

Sơn Vân | 27/04/2023, 23:13

Cuộc đánh giá an ninh mạng của Bắc Kinh với Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ, mở ra cơ hội cho các công ty Trung Quốc để lấp đầy bất kỳ khoảng trống tiềm năng nào trên thị trường, theo các nhà phân tích và thương nhân địa phương.

Khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Samsung Electronics và SK Hynix (hai gã khổng lồ chip nhớ Hàn Quốc), lệnh cấm bán các sản phẩm Micron Technology ở quốc gia châu Á nếu xảy ra sẽ giúp YMTC và các nhà cung cấp địa phương khác lấp vào khoảng trống còn lại trên thị trường sau khi hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ rời đi, theo Chen Jia, nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh.

Trong lĩnh vực chip nhớ, Trung Quốc về cơ bản đã giải quyết được vấn đề về khả năng sản xuất hay cung ứng các linh kiện điện tử trong ngành công nghiệp chip nhớ”, Chen Jia nói.

Nhiều thương nhân tại Pacific Digital Plaza, một trong những trung tâm mua sắm máy tính lớn nhất ở thành phố Thượng Hải và là trung tâm tìm nguồn cung ứng linh kiện điện tử lớn, gần đây cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Tại một ki ốt nhỏ bán đủ loại linh kiện điện tử ở tầng 1 tòa nhà Pacific Digital Plaza, Liu Bei (người bán hàng 30 tuổi) nói: “Samsung vẫn là lựa chọn tốt nhất” khi mua SSD (ổ cứng thể rắn) – thiết bị lưu trữ thường sử dụng chip nhớ flash.

Thế nhưng, Liu Bei cũng chỉ ra rằng các SSD địa phương, chẳng hạn như sản phẩm của YMTC ((hãng sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc) và Shenzhen KingBank Technology Co, đã trở thành những lựa chọn thay thế tốt cho Samsung. Ông nói: “Bạn có thể tìm thấy rất ít nhà phân phối cho Micron hoặc các thương hiệu khác trên thị trường”.

Các thương nhân khác tại Pacific Digital Plaza đã chỉ ra rằng các nhà cung cấp chip nhớ trong nước như YMTC đưa ra giá cả thấp hơn so với các đối thủ nước ngoài và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường. Họ nói thêm rằng kho sản phẩm bộ nhớ trong nước không bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc đánh giá Micron Technology, do có nguồn cung cấp thiết bị dồi dào từ các nguồn thay thế.

neu-micron-bi-trung-phat-cac-hang-trung-quoc-co-hoi-lap-day-khoang-trong1.jpg
Pacific Digital Plaza là một trong những trung tâm tìm nguồn cung ứng linh kiện điện tử lớn nhất của thành phố Thượng Hải - Ảnh: Ann Cao

Vào ngày 31.3, Văn phòng đánh giá an ninh mạng, thuộc Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), đã mở một cuộc điều tra về các sản phẩm Micron Technology được bán ở nước này để “bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” và “ngăn ngừa rủi ro an ninh không gian mạng do các sản phẩm có vấn đề”.

Cả chính phủ Trung Quốc và Micron Technology đều không cung cấp thêm thông tin về cuộc điều tra. Micron Technology cho biết họ “liên lạc với CAC và hợp tác đầy đủ”. Đây là công ty bán dẫn nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc đưa vào diện kiểm tra an ninh mạng.

Việc kiểm tra này đánh dấu một "mối quan ngại lớn" với các công ty khác hoạt động tại Trung Quốc, theo Lester Ross, Chủ tịch ủy ban chính sách tại Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc.

Cuộc điều tra Micron Technology có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ, nhưng cũng giúp nâng cao vị thế của YMTC và các nhà cung cấp Trung Quốc khác về cách họ có thể nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của thị trường địa phương.

Các công ty Trung Quốc này đã giảm giá sản phẩm bộ nhớ để giúp mở rộng thị phần của họ.

Trên nền tảng thương mại điện tử JD.com, Shenzhen Fanxiang Information Technology, công ty sử dụng chip nhớ của YMTC, bán SSD 2 terabyte với giá 509 nhân dân tệ (73,5 USD), bằng khoảng một nửa giá của SSD Samsung có cùng dung lượng (1.049 nhân dân tệ).

Danh sách dài các thương hiệu SSD Trung Quốc trên JD.com, bao gồm ZhiTai, Move Speed, Gloway và Maxsun, tuyên bố sử dụng chip nhớ YMTC như một phần trong chiến lược tiếp thị của họ.

Bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ hồi tháng 12.2022, YMTC có kế hoạch sử dụng thiết bị sản xuất chip có nguồn gốc địa phương để tạo ra các sản phẩm bộ nhớ flash tiên tiến, theo trang SCMP, trích dẫn các nguồn tin trong ngành.

Nếu thành công, dự án YMTC có tên mã là Wudangshan sẽ là bước đột phá trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự cung tự cấp trong sản xuất chất bán dẫn, vì các hạn chế do Mỹ dẫn đầu đã ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến với lý do lo ngại an ninh quốc gia.

Sự phát triển đó diễn ra trong bối cảnh các báo cáo trong tuần này rằng chính quyền Biden yêu cầu Hàn Quốc gây áp lực buộc các nhà sản xuất chip nhớ nước này như Samsung Electronics hay SK Hynix không lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh ra lệnh cấm bán sản phẩm của Micron Technology.

Thông tin trên xuất hiện ngay trước lúc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sang Mỹ gặp người đồng cấp Joe Biden. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc kể từ năm 2011, đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh song phương.

Tuy nhiên, động thái từ bỏ Trung Quốc như vậy sẽ đi ngược lại mục tiêu kinh doanh của các hãng chip của Hàn Quốc nếu lệnh cấm Micron Technology được thực thi, theo Chen Jia.

Đồng tình với đánh giá đó, Zhang Xiaorong, Giám đốc Viện nghiên cứu Shendu Technology, cho biết: “Bây giờ thị trường điện tử tiêu dùng toàn cầu đang đi xuống, các công ty chip cần dựa vào thị trường Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng”.

Ví dụ, Samsung Electronics hôm 27.4 đã báo cáo khoản lỗ hàng quý kỷ lục 4,58 ngàn tỉ won (3,4 tỉ USD) tại bộ phận chip của mình, làm dấy lên lo ngại về suy thoái công nghệ trên diện rộng.

Công ty lớn nhất Hàn Quốc chứng kiến doanh thu từ Trung Quốc giảm từ 16% xuống 12% trong giai đoạn 2017-2022, theo báo cáo thường niên mới nhất.

Theo hãng nghiên cứu công nghệ Gartner, thị trường bộ nhớ toàn cầu được dự báo sẽ đạt 92,3 tỉ USD trong năm 2023, giảm 35,5% so với 2022, do “dư thừa chip và hàng tồn kho”.

Với Micron Technology, doanh số bán hàng ở Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) chiếm 16% tổng doanh thu vào năm 2022.

Lệnh cấm bán sản phẩm của Micron Technology tại thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ là trường hợp xấu nhất với công ty trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường bộ nhớ toàn cầu sụt giảm”, theo Arisa Liu, nhà nghiên cứu và giám đốc tập trung vào chất bán dẫn tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan.

neu-micron-bi-trung-phat-cac-hang-trung-quoc-co-hoi-lap-day-khoang-trong.jpg
Micron Technology là công ty bán dẫn nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc đưa vào diện kiểm tra an ninh mạng - Ảnh: Shutterstock

Micron Technology sản xuất chip nhớ NAND phục vụ thị trường lưu trữ dữ liệu cũng như chip DRAM được sử dụng rộng rãi trong trung tâm dữ liệu, máy tính cá nhân và các thiết bị khác. Công ty Mỹ đang cạnh tranh với Samsung Electronics và SK Hynix.

Micron Technology có văn phòng ở thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc), cũng như một cơ sở đóng gói chip tại Tây An. Đầu năm 2022, Micron Technology tuyên bố sẽ đóng cửa hoạt động thiết kế DRAM tại Thượng Hải.

Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhà sản xuất chip United Microelectronics Corp (Đài Loan) và Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc), cáo buộc hai công ty này âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron Technology.

Fujian Jinhua Integrated Circuit phủ nhận các cáo buộc. Trong khi United Microelectronics Corp đã nhận tội và nộp phạt 60 triệu USD.

Bài liên quan
OpenAI có thể tốn hơn 700.000 USD/ngày để vận hành ChatGPT, Microsoft tạo chip AI để giảm chi phí
Việc rất nhiều người trên thế giới sử dụng ChatGPT có thể làm OpenAI tiêu tốn hơn 700.000 USD mỗi ngày do cơ sở hạ tầng công nghệ đắt tiền mà chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) này chạy trên đó, theo Dylan Patel, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis,

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu Trung Quốc cấm bán sản phẩm của hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ, các công ty nội địa có cơ hội trỗi dậy