Trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS…, CQĐT đã có kiến nghị nhằm ngăn chặn tình tăng ‘vốn ảo’.

CQĐT có kiến nghị nhằm ngăn chặn tình trạng tăng ‘vốn ảo’

Nhã Thanh | 29/10/2023, 11:25

Trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS…, CQĐT đã có kiến nghị nhằm ngăn chặn tình tăng ‘vốn ảo’.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và các công ty liên quan.

Theo đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) về 2 tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thiếu kiểm soát hoạt động của mạng xã hội

Qua công tác điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng có chỉ ra một số sơ hở, thiếu sót của quy định pháp luật về hoạt động chứng khoán để kẻ xấu lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, theo CQĐT, việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng, không kiểm soát nên bị can đã lợi dụng, thuê/nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính. Ngoài ra, việc kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư còn nhiều sơ hở.

Về chế tài xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán, tội “Thao túng thị trường chứng khoán” được cơ quan chức năng nhận định là rất tinh vi, có tính tổ chức, phức tạp… Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện đang quy định mức hình phạt đối với loại tội phạm này còn thấp, không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

299744536_6086761272.jpg
Ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) bị đề nghị truy tố 2 tội danh - Ảnh: Internet

Ngoài ra, CQĐT cũng cho biết việc thiếu kiểm soát hoạt động của các mạng xã hội đã để kẻ xấu lợi dụng thành lập hội, nhóm kín nhằm hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển và thao túng thị trường, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Theo CQĐT, hiện chưa có quy định, hướng dẫn nào làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư tham gia mua bán mã chứng khoán trong giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại.

Tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán

CQĐT đề nghị Bộ Tài chính phối hợp và thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán; các hoạt động đăng ký, niêm yết, phát hành, đầu tư, giao dịch cổ phiếu.

Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảo thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn…

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán. Triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục và ổn định của thị trường…

anh-minh-hoa-bai-tang-von-ao_ygsa.jpg
Những kiến nghị đề cập tới việc ngăn chặn tình trạng tăng 'vốn ảo', làm trong sạch thị trường - Ảnh: Internet

Ngăn chặn tình trạng tăng ‘vốn ảo’

Theo CQĐT, trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sử dụng thủ đoạn tinh vi bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính, một doanh nghiệp có thể tự “tăng vốn” mà không cần cổ đông phải góp thêm bất cứ một đồng tiền thật nào, nhằm nâng khống vốn điều lệ công ty để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính (lừa đảo, thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá…), gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Để ngăn chặn tình trạng tăng “vốn ảo”, góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Đặc biệt, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật, cấm doanh nghiệp ủy thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân là cổ đông của chính doanh nghiệp, hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan đến cổ đông của doanh nghiệp.

CQĐT cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể, rõ về thời hạn hoàn góp vốn của cổ đông đối với trường hợp doanh nghiệp tăng vốn. Quy định về trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan quản lý nhà nước) đối với hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp…

Quy định kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp đảm bảo dòng vốn góp vào doanh nghiệp là dòng tiền thật và chỉ để sử dụng vào việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải dùng vào mục đích quay vòng tăng khống vốn điều lệ…

Bài liên quan
Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố
Ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CQĐT có kiến nghị nhằm ngăn chặn tình trạng tăng ‘vốn ảo’