Running Tide - Công ty có trụ sở tại Mỹ đã đổ 10.000 tấn gỗ phế thải xuống đáy Đại Tây Dương với giải thích đây là nỗ lực loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.

Công ty Mỹ đổ 10.000 tấn gỗ phế thải xuống biển để… cứu Trái đất

Anh Tú | 12/08/2023, 09:44

Running Tide - Công ty có trụ sở tại Mỹ đã đổ 10.000 tấn gỗ phế thải xuống đáy Đại Tây Dương với giải thích đây là nỗ lực loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.

Theo công ty Running Tide, sáng kiến của họ nhằm giữ carbon trong gỗ dưới đáy đại dương sâu trong hàng trăm hoặc thậm chí hàng triệu năm.

Đây được coi là nỗ lực lớn nhất trong số các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhằm mục đích nhốt khí nhà kính carbon dioxit dưới đáy biển thay vì để chúng phát tán ra khí quyển. Tuy nhên, các nhà nghiên cứu bên ngoài chương trình này vẫn băn khoăn liệu phương pháp loại bỏ carbon dioxit kiểu này có hiệu quả hay không, đặc biệt là ở quy mô lớn hơn rất nhiều đủ để có tác động đáng kể đến biến đổi khí hậu của Trái đất.

Phương pháp loại bỏ carbon của Running Tide liên quan đến việc thả số lượng lớn phao cỡ quả bóng khúc côn cầu làm từ gỗ phế thải trên mặt biển. Chúng trôi nổi trong hai tuần trước khi ngấm đầy nước và mang theo lượng carbon chìm xuống đáy biển.

Công ty Running Tide đã cố gắng thực hiện điều này 16 lần kể từ tháng 5 năm nay và đã hoàn thành đợt phát hành tín chỉ carbon đầu tiên từ phương pháp này tạo ra. Khách hàng của họ - công ty thương mại điện tử Canada Shopify đã mua 275 tấn carbon với giá 250 USD/tấn. Shopify đã cam kết mua sản phẩm loại bỏ carbon từ trước khi các công nghệ liên quan được chứng minh đầy đủ.

Nhưng nhà nghiên cứu David Siegel tại Đại học California, Santa Barbara (bang California), nói rằng có những điều bất trắc lớn liên quan đến độ bền của việc lưu trữ carbon dưới đáy đại dương sâu và những tác động của nó đối với hệ sinh thái biển. Siegel thừa nhận: “Tham vọng của chúng ta để làm điều này vượt xa kiến thức khoa học hiện giờ”. 

Running Tide cũng đang thử nghiệm các cách khác để loại bỏ carbon hiệu quả hơn. Chẳng hạn, họ bọc các phao gỗ bằng đá vôi, làm tăng độ kiềm của nước biển khi nó hòa tan và sẽ giúp chuyển đổi nhiều carbon dioxit được hấp thụ trong đại dương sang dạng ổn định hơn.

Công ty cũng đang thử nghiệm phương pháp gieo hạt phao với rong biển ngoài khơi. Rong biển sau đó phát triển rồi chìm xuống cùng với phao. Chỉ có điều, đây là một phương pháp đòi hỏi diện tích biển rất lớn để trồng rong. Một ước tính gần đây cho thấy để trồng đủ rong biển loại bỏ một tỉ tấn carbon, chúng ta sẽ cần ít nhất 1 triệu km2 đại dương.

Để trấn an những lo ngại, Running Tide cho biết có nhiều tài liệu về cách sử dụng phao công nghệ cao và chương trình máy tính để giám sát và tính toán lượng carbon thải ra, cũng như các giao thức giảm thiểu tác động môi trường. Dù vậy, công ty Running Tide nói riêng và ngành công nghiệp khử carbon dioxit dựa trên rong biển nói chung – vẫn bị chỉ trích vì tiến hành mọi thứ quá nhanh.

Aurora Ricart tại Viện Khoa học Hàng hải ở Tây Ban Nha cho biết: “Họ đang hợp tác với khoa học, nhưng đồng thời họ đang đưa thông điệp rằng công việc đang hoạt động và họ đang bán tín chỉ carbon”. Aurora Ricart cho rằng cần có nhiều dữ liệu minh bạch hơn và nhiều nghiên cứu hơn để biết lượng carbon đang được loại bỏ, trong thời gian bao lâu và các dự án như vậy ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển theo thời gian như thế nào.

Trong khi đó, Brad Rochlin tại Running Tide thừa nhận có những nguy cơ tiềm ẩn liên quan, nhưng ông biện minh đây là lý do cho việc tại sao cần thử nghiệm ở quy mô tương đối nhỏ. Brad Rochlin nói: “Tôi nghĩ công việc chúng tôi đang làm đang giúp thúc đẩy khoa học. Chúng tôi có thể tìm ra phương pháp nào hoạt động hoặc không hoạt động trơn tru càng nhanh thì càng tốt”.


Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quôc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon dioxit là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính là:

Thị trường carbon bắt buộc: thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

Thị trường carbon tự nguyện: dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu hiệu carbon.

Lịch sử phát triển thị trường carbon

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty Mỹ đổ 10.000 tấn gỗ phế thải xuống biển để… cứu Trái đất