Một loạt thỏa thuận công nghệ giữa các công ty Mỹ và Đài Loan vừa ký kết tháng trước được xem là dấu hiệu cho quan hệ hợp tác sâu sắc hơn giữa hai nền kinh tế, nhưng không ít công ty đa quốc gia của đảo tự trị trên thực tế đang ngày càng chú ý hơn đến cơ sở sản xuất không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ - Trung.

Công ty công nghệ Đài Loan cân nhắc “kế hoạch B” ở Ấn Độ, Việt Nam

Cẩm Bình | 04/11/2022, 09:40

Một loạt thỏa thuận công nghệ giữa các công ty Mỹ và Đài Loan vừa ký kết tháng trước được xem là dấu hiệu cho quan hệ hợp tác sâu sắc hơn giữa hai nền kinh tế, nhưng không ít công ty đa quốc gia của đảo tự trị trên thực tế đang ngày càng chú ý hơn đến cơ sở sản xuất không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ - Trung.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn lấy lòng các công ty công nghệ Đài Loan đang nắm giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu. Nhiều công ty Đài Loan vẫn duy trì mối liên hệ cơ bản với Trung Quốc vốn là nguồn doanh thu béo bở trong thời gian không có đại dịch, trong khi tiếp tục xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Mỹ thông qua quốc gia thứ ba nhằm tránh phải gánh chi phí lớn khi sản xuất trên đất Mỹ.

Các số liệu và ý kiến của nhiều chuyên gia cho thấy các công ty đa quốc gia Đài Loan đang dành nhiều vốn đầu tư hơn cho cơ sở sản xuất giá rẻ, kết nối tốt như Ấn Độ hay Việt Nam.

Luật sư John Eastwood thuộc công ty luật Eiger cho biết: “Trong vài năm qua, kế hoạch đổ tiền, công nghệ, chuyên gia quản lý vào Trung Quốc dường như không còn hấp dẫn nữa. Giờ đây có vẻ Ấn Độ trở thành “kế hoạch B” của họ”.

100642777-foxconn-worker-assembly-line-gettyp.jpg
Kế hoạch đổ tiền, công nghệ, chuyên gia quản lý vào Trung Quốc dường như không còn hấp dẫn nữa - Ảnh: SCMP

Tình hình căng thẳng

Sau khi trải qua đợt thiếu hụt chip toàn cầu vì đại dịch, chính phủ Mỹ vận động công ty công nghệ Đài Loan đầu tư nhiều hơn vào nước này.

Nhân chuyến thăm Washington tháng trước của quan chức đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa, các công ty Mỹ và Đài Loan ký 7 bản ghi nhớ trong đó 5 bản xoay quanh hợp tác công nghệ 5G.

Intel bắt tay với Quanta Cloud lập dự án tên 5GxAI Open Lab, hãng điện thoại HTC cùng công ty viễn thông Lumen phát triển công nghệ thực tế ảo tăng cường, DuPont với TMYTEK hợp tác ở lĩnh vực vệ tinh quỹ đạo thấp.

Trước đó, tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC và hãng sản xuất thiết bị điện tử Foxconn đều đã xây xưởng tại Mỹ - hai khoản đầu tư mang tính bước ngoặt.

Số liệu từ Ủy ban Đầu tư Đài Loan cho thấy trong 8 tháng của năm 2022, các công ty đảo tự trị được Mỹ chấp thuận đầu tư 932,7 triệu USD - cao hơn 361,2 triệu USD cùng kỳ năm 2021 nhưng thấp hơn 2 tỉ USD năm 2018 và 4 tỉ USD năm 2020.

Đầu tư vào Trung Quốc được chấp thuận trong 8 tháng của năm 2022 chỉ đạt khoảng 18,9 triệu USD - thấp hơn so với 29,5 triệu USD cùng kỳ năm 2021 và 70,2 triệu USD vào tháng 12.2021.

Các nhà sản xuất Đài Loan đã đầu tư vào Trung Quốc từ những năm 1980, đến nay có khoảng 4.200 công ty hoạt động. Nhưng ngày càng nhiều công ty tìm phương án thay thế do căng thẳng địa chính trị.

Quan hệ hai bờ vài tháng qua xấu đi sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trung Quốc phản ứng bằng tập trận bắn đạn thật quy mô lớn kéo dài gần 1 tuần.

Thương chiến thương mại Mỹ - Trung cũng leo thang nhanh chóng làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Trung Quốc. Chính sách “Zero COVID” duy trì đến nay càng khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất sức hút.

"Kế hoạch B"

Quan chức Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại New Delhi Estela Chen vào tháng 9 tuyên bố công ty Đài Loan sẵn sàng xây xưởng tại Ấn Độ. Không ít công ty Đài Loan và công ty khởi nghiệp Ấn Độ bắt đầu hợp tác trong nhiều dự án chip và hàng không vũ trụ. Ấn Độ được biết đến là thị trường rộng lớn, chi phí thấp. Tuy vậy rào cản ngôn ngữ cùng văn hóa kinh doanh khác biệt là thách thức lớn.

Các công ty Đài Loan kể từ năm 1952 đã đầu tư tổng cộng 1,11 tỉ USD vào Ấn Độ, kể từ năm 2018 đầu tư 920 triệu USD. Foxconn hai tháng trước công bố quyết định hợp tác tập đoàn Ấn Độ Vedanta thành lập nhà máy bán dẫn trị giá 118,7 triệu USD ở bang Gujarat.

Theo giới quan sát, bên cạnh Ấn Độ, Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất Đài Loan. Việt Nam là một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, thường được xem như một lựa chọn thay thế đáng tin cậy và chi phí rẻ hơn cho Trung Quốc.

Dữ liệu chính thức từ Đài Loan cho thấy các công ty của vùng lãnh thổ này đã đầu tư khoảng 341,6 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2021, nhiều nhất kể từ năm 2017.

Nhà kinh tế Ma Tieying thuộc ngân hàng DBS (Singapore) cho biết: “Trong khu vực kinh tế tư nhân của Đài Loan, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch ngày càng tăng. Họ có thể thích chuyển về Đài Loan hoặc chuyển sang Ấn Độ, Việt Nam hoặc quốc gia châu Á khác. Chi phí lao động ở Mỹ cao hơn nhiều so với ở châu Á nên hạn chế công ty Đài Loan chuyển đến Mỹ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty công nghệ Đài Loan cân nhắc “kế hoạch B” ở Ấn Độ, Việt Nam