The New York Times vừa có bài: Đã đến lúc đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán. Trong đó, bài viết nêu Mỹ cần trực tiếp can dự sâu vào Ukraine để tránh những rủi ro trong chiến lược thiếu thận trọng của Kyiv.

Đã đến lúc Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến Ukraine để "cứu vãn tình hình"

Tá Nhu (lược dịch) | 03/11/2022, 08:16

The New York Times vừa có bài: Đã đến lúc đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán. Trong đó, bài viết nêu Mỹ cần trực tiếp can dự sâu vào Ukraine để tránh những rủi ro trong chiến lược thiếu thận trọng của Kyiv.

Cuộc chiến ở Ukraine đang leo thang một cách nguy hiểm. Ukraine đang tiến bước trên chiến trường và càng ngày càng quyết tâm đẩy lùi quân Nga. Trong khi đó, Điện Kremlin củng cố lực lượng phòng thủ ở miền đông Ukraine, tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, đồng thời cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Cùng lúc này, Mỹ và các đồng minh đang tăng tốc cung cấp nhiều vũ khí hơn tới Ukraine, trong khi G7 gần đây đã tuyên bố giúp “Ukraine đứng vững chừng nào còn cần”.

Ukraine, với sự giúp đỡ của phương Tây, đã thiết lập một chiến dịch bảo vệ chủ quyền một cách kiên quyết và đầy quả cảm. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn giữa NATO và Nga đang tăng lên từng ngày, cũng như nguy cơ thiệt hại về kinh tế từ một cuộc chiến kéo dài có thể làm suy yếu nền dân chủ phương Tây. Đã đến lúc Mỹ và các đồng minh tham gia trực tiếp vào việc định hình các mục tiêu chiến lược của Ukraine, quản lý xung đột và tìm kiếm một kết cục ngoại giao.

Cho đến nay, phương Tây đã thực hiện một công việc mà họ tự hào là giữ cho mức độ can dự và rủi ro của mình phù hợp với các lợi ích đang bị đe dọa. Tổng thống Joe Biden đã đưa ra lời kêu gọi chính xác rằng phòng thủ Ukraine là một ưu tiên chiến lược - nhưng không phải là lợi ích sống còn. Đó là lý do tại sao Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực cung cấp cho người Ukraine vũ khí sát thương để tự vệ chứ không trực tiếp tham gia cuộc chiến. Washington đã cho phép Kyiv thực hiện các cuộc tấn công, gửi hỗ trợ kinh tế và quân sự trong khi để Ukraine tự đặt ra mục tiêu chiến tranh và thiết kế chiến lược quân sự của riêng mình.

Nhưng giữ cho sự can dự của Mỹ ở một mức độ tương xứng với lợi ích của mình đang trở nên khó khăn hơn khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Đúng vậy, những thành công mà Ukraine loan báo trên chiến trường tạo ra cảm giác thất bại với tham vọng của Điện Kremlin. Nhưng mặc dù Kyiv chiến đấu vì chủ quyền và lãnh thổ của mình, các hành động của Ukraine về cơ bản làm tăng nguy cơ leo thang có thể là không khôn ngoan về mặt chiến lược. Để hạn chế khả năng xảy ra xung đột rộng lớn hơn giữa NATO và Nga, Washington cần Kyiv minh bạch hơn về các kế hoạch chiến tranh của mình và các quan chức Mỹ cần đóng góp thêm ý kiến ​​ vào việc Kyiv tiến hành cuộc chiến.

Ukraine thậm chí đã tiến hành các hoạt động khiến Tổng thống Vladimir Putin còn có hành vi phiêu lưu hơn. Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng vụ đánh bom ô tô bên ngoài Moscow vào tháng 8 sát hại cô Daria Dugina, con gái của một trong những người thân tín của điện Kremlin, đã được các cơ quan thuộc chính phủ Ukraine bật đèn xanh. Sau đó vào tháng 10, một vụ đánh bom bằng xe tải đã đánh sập các đoạn của Cầu Eo biển Kerch nối Crimea với Nga, và Ukraine dường như đã tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực Belgorod của Nga, một khu vực gần biên giới được sử dụng làm bãi tập kết cho quân đội Nga tiến tới Ukraine. Cuối tuần trước, máy bay không người lái của Ukraine đã nhắm mục tiêu vào các tàu trong Hạm đội Biển Đen của Nga ở ngoài khơi thành phố cảng Sevastopol của Crimea.

Mỹ rõ ràng không nhận được cảnh báo về vụ đánh bom xe hơi hoặc tấn công cầu, và được cho là bất mãn với Kyiv vì vụ ám sát cô Dugina. Mỹ lo ngại rằng những hành động như vậy có khả năng leo thang nhưng ít ảnh hưởng đến chiến trường.

Mỹ coi cầu Kerch là một mục tiêu quân sự hợp pháp vì cho rằng Nga đã xây dựng nó sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014 mà Phương Tây cho là bất hợp pháp. Đồng thời, nó là đường tiếp tế cho các lực lượng Nga ở Ukraine. Nhưng cây cầu cũng có tầm quan trọng về mặt chính trị và biểu tượng rất lớn đối với ông Putin. Ông đã đáp trả bằng một chiến dịch không kích trừng phạt nhằm vào các trung tâm đô thị và hệ thống năng lượng và nước của Ukraine, đe dọa người dân Ukraine đối mặt với tình trạng khó khăn nghiêm trọng khi mùa đông đến gần.

Mỹ đã tránh cung cấp các hệ thống vũ khí mà Kyiv có thể sử dụng để tấn công sâu vào bên trong nước Nga, cho thấy rằng Washington có thể bất an về các cuộc tấn công gần đây vào Belgorod. Các quan chức Mỹ đã ngăn Washington khỏi dính vào cuộc tấn công vào các tàu ngoài khơi Sevastopol, một cuộc tấn công khiến ông Putin lập tức trả đũa bằng việc tạm thời đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine do Liên hợp quốc làm trung gian, một động thái mà phương Tây cho là có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và tiếp tục đẩy giá lương thực lên.

Mỹ và các đồng minh cho rằng họ đã đúng khi giúp Ukraine tự vệ - và họ nên tiếp tục làm như vậy. Tuy nhiên, họ cho rằng mình cũng đã đúng khi thực hiện các biện pháp kiềm chế thận trọng để tránh chiến tranh với Nga, hạn chế cung cấp vũ khí tầm xa, hạn chế đặt các bệ phóng của NATO và từ chối yêu cầu của Ukraine về việc NATO thực thi vùng cấm bay. Khi xung đột leo thang, việc tránh chiến tranh giữa NATO và Nga một cách thận trọng đòi hỏi phải có bước tiếp theo: sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào kế hoạch hoạt động của Ukraine.

Thành công trên chiến trường mà Ukraine loan báo cũng đặt ra câu hỏi về việc Kyiv dự định đẩy tình hình đi bao xa. Tổng thống Volodymyr Zelensky dường như có ý định đẩy quân đội Nga ra khỏi toàn bộ Ukraine, bao gồm cả những vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập vào năm 2014 là bán Crimea và một phần của Donbas.

Về bán đảo Crimea, ông Zelensky gần đây đã nói: “Chúng tôi sẽ trở lại đó. Tôi không biết chính xác là khi nào. Nhưng chúng tôi có kế hoạch và chúng tôi sẽ quay trở lại đó, vì đây là đất và là người của chúng tôi”. Đồng thời, ông Zelensky cũng từ bỏ mọi chính sách ngoại giao với Nga chừng nào ông Putin còn nắm quyền.

Các mục tiêu chiến tranh của Ukraine được phương Tây cho là đảm bảo về mặt đạo đức và pháp lý, nhưng chúng có thể thiếu thận trọng. Để đối phó với những bước tiến gần đây của Ukraine, ông Putin đã tăng gấp đôi chứ không lùi bước. Khi tuyên bố sáp nhập thêm một phần miền đông Ukraine vào ngày 30. 9, ông nhấn mạnh rằng những người sống trong khu vực đó “đang trở thành công dân của chúng tôi —trước đây”.

Đối với ông Putin, một cuộc xung đột về tương lai của Ukraine đã trở thành một cuộc đấu tranh tồn tại cho tương lai của nước Nga. Ông tuyên bố: “Chiến trường mà số phận và lịch sử đã gọi chúng ta là chiến trường cho nhân dân của chúng ta, cho nước Nga lịch sử vĩ đại, cho tương lai nhiều thế hệ.

Ông Putin đang đặt toàn bộ nỗ lực vào lựa chọn đó. Theo đó, việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Điện Kremlin trở thành một lựa chọn thực tế nếu các lực lượng Nga phải đối mặt với việc bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi miền đông Ukraine và Crimea. Nếu ông Putin vượt qua ranh giới hạt nhân, NATO gần như chắc chắn sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, với khả năng leo thang hạt nhân.

Những thành công trên chiến trường mà Ukraine loan báo có thể đi quá xa. Nếu Ukraine khăng khăng theo ý của mình, thì việc đòi lấy lại toàn bộ Donbas và Crimea cho Ukraine sẽ không đáng để mạo hiểm một cuộc chiến tranh thế giới mới. Với những tiến bộ trên chiến trường mà Ukraine liên tục loan báo, Kyiv và các đối tác NATO có thể dễ bị cám dỗ vào việc cố gắng đánh bại Nga và khôi phục toàn bộ lãnh thổ của Ukraine. Nhưng nỗ lực của ông Putin nhằm khuất phục Ukraine nhanh chóng đã thất bại và việc đẩy Nga đến thất bại hoàn toàn là một canh bạc không cần thiết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã đến lúc Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến Ukraine để "cứu vãn tình hình"