Nhà giáo dục và doanh nhân người Singapore Andrew Chin rất mong chờ được gặp phiên bản kỹ thuật số của mình do Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent thiết kế và tạo ra.
Phiên bản kỹ thuật số có ngoại hình lẫn giọng nói giống ông, nói được tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Indonesia. Doanh nhân Chin dự định dùng “người” này cho các bài phát biểu hay video hướng dẫn dùng trong hoạt động giảng dạy lẫn hoạt động kinh doanh tại Đại học Quản trị Singapore, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore.
“Tôi không phải người chuyên nghiệp nên không thể tự mình ghi hình hay chỉnh sửa video đúng cách. Nhưng với trí tuệ nhân tạo (AI) thì văn bản cùng giọng nói sẽ được chuyển đổi thành video”, doanh nhân Chin chia sẻ.
Khái niệm “người kỹ thuật số” có lẽ còn xa lạ với hầu hết mọi người. Nhưng tại Trung Quốc, nơi hoạt động nghiên cứu cũng như ứng dụng AI đang rất sôi động, “người kỹ thuật số” đã khá phổ biến và được chấp nhận rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trò chơi, hoạt hình, giải trí. Tất cả nhờ giới chức, chính quyền từ trung ương đến địa phương giúp sức. Hơn 30 tỉnh thành - gồm cả Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông - đều ban hành chính sách hỗ trợ. Hàng loạt đơn vị truyền thông tung ra phóng viên lẫn người dẫn chương trình ảo để dẫn chương trình phát trực tiếp, dự báo thời tiết hay đưa tin sự kiện lớn.
Theo ước tính của nền tảng nghiên cứu dữ liệu Tianyancha, tại Trung Quốc có khoảng 1,14 triệu công ty hoạt động trong ngành tạo “người kỹ thuật số”. Nhu cầu đang tiếp tục tăng.
Năm ngoái, nền tảng video ngắn Kuaishou ghi nhận hơn 300.000 buổi phát trực tiếp được thực hiện bởi nhân vật ảo. Nền tảng thương mại điện tử JD.com vào tháng 4 cũng ra mắt phiên bản kỹ thuật số mô phỏng chính xác từ ngoại hình đến giọng nói, thậm chí cả thói quen vẫy tay khi nói chuyện của nhà sáng lập Lưu Cường Đông.
Theo doanh nhân Chin, đây là công nghệ hiệu quả. Nhiều người mà ông quen biết trong lĩnh vực giải trí và chăm sóc người cao tuổi đều bày tỏ quan tâm vì muốn có trải nghiệm “nhập vai hơn”.
Đài Channel News Asia cho biết chi phí tạo “người kỹ thuật số” khá phải chăng mặc dù chất lượng công nghệ khác nhau, từ siêu thực đến hoạt hình. Dịch vụ này trên nền tảng thương mại điện tử Taobao có giá thấp nhất là 29 Nhân dân tệ (4USD) mỗi tháng, nếu muốn sở hữu phiên bản độc đáo hơn thì phải trả 50 tệ (7USD). Một số đơn vị còn cung cấp bản dùng thử miễn phí. Khách hàng chỉ cần cung cấp ảnh chân dung.
Đi đầu trong ngành là “ông lớn” Tencent. Tập đoàn ra mắt nền tảng tạo “người kỹ thuật số” vào năm 2023, sử dụng nhiều công nghệ AI tiên tiến như tương tác bằng giọng nói, tạo hình ảnh, đồng bộ hóa khuôn mặt. Các gói dịch vụ dành cho người dùng ở Trung Quốc dao động từ 6.000 - 790.000 Nhân dân tệ, cho phép khách hàng tự tạo hình ảnh đại diện 2D lẫn 3D.
Doanh nhân Chin chọn gói tầm trung giá 6.000 - 10.000 Nhân dân tệ, tạo ra nội dung dài đến 10 giờ đồng hồ. Dù hơi đắt nhưng ông cho rằng rất xứng đáng nếu xét đến lợi ích lâu dài.
Lo ngại về đạo đức
Theo giáo sư Jeannie Paterson (Viện Công bằng Xã hội Melbourne): “Có nhiều vấn đề với việc sao chép con người bằng kỹ thuật số. Liệu sử dụng AI có xâm phạm đến tính toàn vẹn về mặt đạo đức của một người không? Người tương tác với “người kỹ thuật số” có nguy cơ bị lừa dối hoặc thao túng, thậm chí chịu tổn hại về cảm xúc”.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là rủi ro tiềm ẩn về quyền riêng tư, gắn liền với chia sẻ dữ liệu sinh trắc học.
Chuyên gia Terence Siau (Trung tâm Không gian mạng chiến lược và Nghiên cứu quốc tế) cảnh báo nguy cơ công nghệ tạo “người kỹ thuật số” bị sử dụng cho mục đích xấu như phát tán thông điệp có hại hoặc lừa dối. Ông nhấn mạnh cơ quan quản lý phải đưa ra khuôn khổ nghiêm ngặt.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Kỹ thuật Quốc gia 260 vào đầu tháng 9 công bố dự thảo Khung quản lý an toàn AI ưu tiên loạt vấn đề đạo đức, thu thập dữ liệu nhạy cảm và phác thảo hướng dẫn bảo mật. Các ứng dụng phổ biến như Wechat cùng Douyin cũng tăng cường quản lý nội dung AI, yêu cầu nhà sáng tạo dán nhãn nội dung tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Doanh nhân Chin nhận thức được tranh cãi lẫn rủi ro xung quanh “người kỹ thuật số”. Ông khẳng định công nghệ này mang tính hỗ trợ chứ không nhằm thay thế người thật.