“Cha tôi là thi nhân, yêu mùa thu. Yêu trăng thu, nên tôi muốn nhân dịp này dâng tặng cha một triển lãm cá nhân, sau nhiều năm chỉ âm thầm vẽ” – Hoàng Phượng Vỹ, con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông chia sẻ.

Con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông mở triển lãm tặng cha

Tiểu Vũ | 04/09/2022, 15:02

“Cha tôi là thi nhân, yêu mùa thu. Yêu trăng thu, nên tôi muốn nhân dịp này dâng tặng cha một triển lãm cá nhân, sau nhiều năm chỉ âm thầm vẽ” – Hoàng Phượng Vỹ, con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông chia sẻ.

Hoàng Phượng Vỹ sinh năm 1962 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng dành cả đời cho vẽ tranh, làm thơ… Sau các triển lãm cá nhân bao gồm: Ký ức (1997) tại Hà Nội, Hội họa (Bangkok, 2002), Trở về (Hồng Kông, 2004), Tuổi thơ (Hà Nội, 2005), Hoàng Phượng Vỹ chỉ tham gia một số triển lãm chung ở Việt Nam và nước ngoài như: Mỹ, Úc, Singapore, Canada, Thái Lan...

hoang-phuong-vy.jpg
Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ - Ảnh: NVCC

Sau gần 20 năm không có thêm bất cứ triển lãm cá nhân nào, mùa thu năm nay Hoàng Phượng Vỹ quyết định mang 48 tác phẩm "Nam tiến" vào Sài Gòn để mở triển lãm cá nhân có chủ để Miên Thu. Tác phẩm của anh sẽ được trưng bày tại Hakio - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, P.Võ Thị Sáu, Q.3. TP.HCM) từ nay cho đến hết ngày 14.9.2022. 

Miên Thu đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ, tươi mới của Hoàng Phượng Vỹ trên con đường naïve art (tạm dịch: nghệ thuật ngây thơ) mà ông đã đi mấy chục năm nay. 

Nói về Miên Thu, Hoàng Phượng Vỹ chia sẻ: “Tôi vẫn “ngây thơ” bền bỉ như một niềm đam mê suốt những năm qua, đi kèm đó là nỗi nhớ thẳm sâu về cha mình. Cha tôi tuổi Dần, sinh ra tôi cũng tuổi Dần, năm nay năm Dần, nên sự trùng hợp này càng làm nỗi nhớ đó ứa trào khôn nguôi. Cha tôi là thi nhân. Yêu mùa thu, yêu trăng thu, nên tôi muốn nhân dịp này dâng tặng cha một triển lãm cá nhân, sau nhiều năm chỉ âm thầm vẽ. Bao yêu thương và nỗi niềm tôi chỉ biết gửi cả vào tranh. Tôi mong cha sẽ hài lòng và tôi mong cuộc sống của chúng ta sẽ luôn như những ngày hội trung thu, đoàn viên, yên vui, ấm áp miên viễn...".

dan-phu-tu.jpg
 Tác phẩm  “Dần phụ tử”, Hoàng Phượng Vỹ vẽ cha - nhà thơ Hoàng Trung Thông - và chính mình

Cha của Hoàng Phượng Vỹ là nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993), quê ở Quỳnh Đôi (tỉnh Nghệ An), là sáng lập viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài thơ, ông còn là nhà nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học, viết thư pháp, một dịch giả đáng nhớ. Ông cũng là tấm gương tự học, thông thạo ba ngoại ngữ là tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Anh, đọc rất nhiều, nên dịch thơ rất hay. Hoàng Phượng Vỹ được thừa hưởng nhiều tố chất từ cha của mình, nên từ trẻ đã ham đọc, thích làm thơ, thích gặp gỡ, trò chuyện với giới văn nghệ sĩ, trí thức.

“Tôi đến thăm gia đình anh Vỹ mỗi lần có dịp ra Hà Nội. Trong bữa cơm gia đình ấm cúng, mấy anh chị em thường hàn huyên về thời thơ ấu ở khu phố chúng tôi. Đó là đề tài vô tiền khoáng hậu với những trận cười không dứt. Và khi đã "hồng hồng men" là anh Vỹ vẽ. Vẽ không ngừng. Có lẽ tất cả chúng tôi đều luôn thương nhớ mãi thời thơ bé ấy: ấm êm, bình an, đơn giản và vô ưu. Nhưng với Vỹ, sự lưu luyến đó anh vắt kiệt vào tranh. Những mảng màu tươi luôn được anh điểm xuyết thêm những chi tiết đượm màu thời gian hoặc ngược lại, như nhắc nhở chúng ta rằng, đó chỉ là ký ức yêu thương của một người trưởng thành về quãng thời gian tuyệt đẹp đã qua.

ruoc-den.jpg
Tác phẩm "Rước đèn" của Hoàng Phượng Vỹ

Chính sự đơn giản trong tranh của Vỹ đi cùng cách phối màu đó đã đẩy xúc cảm thời “hoang sơ chưa vướng bụi trần” trong mỗi chúng ta trở thành miên man nỗi nhớ. Lần triển lãm cá nhân này anh đã đưa thời khắc Tết Trung Thu vào tranh để khơi lại nỗi nhớ không thể thiếu đó trong mỗi chúng ta. Miên Thu là sự khắc khoải về những hồi ức tuyệt đẹp đã qua, nhưng mong nó sẽ còn lưu lại dư âm mãi mãi. Mong Hoàng Phượng Vỹ mãi “miên thơ” để chúng ta mãi được miên thu cùng anh” - nhà sưu tập Trang Hạnh chia sẻ.

Về tranh của Hoàng Phượng Vỹ, nhà phê bình mỹ thuật Đăng Tiêu nhận định: “Tranh của Vỹ cũng trong trẻo và ngây thơ như vậy. Màu sắc rực rỡ, thậm chí, Vỹ phối màu đụng nhau chan chát, nhưng nhịp điệu mà chúng tạo ra lại mạnh mẽ, sắc nét, dặt dìu và giàu chất cảm. Như thể ở đó phát ra một âm thanh, và đó là thứ âm thanh dịu ngọt tinh tế mà vẫn hiện đại, khiến người ta phải ngỡ ngàng. Nhân vật trong tranh Hoàng Phượng Vỹ thường là phụ nữ và trẻ em. Đôi khi, không có ranh giới tuổi tác để xác định được họ. Bởi Vỹ vẽ phụ nữ cũng ngây ngô như trẻ thơ”.

hoi-mua-com-moi.jpg
Tác phẩm "Mùa cơm mới" 

Nhà phê bình Đăng Tiêu nói thêm: "Hoàng Phượng Vỹ đã lấy mộng mị làm thực tại của cuộc đời anh. Những bức tranh chính là những cơn mơ chập chờn, chúng không tuyên ngôn về điều gì to tát cả, nhưng sự gợi mở, chất thơ và những điều bị bỏ lửng như những dấu lặng đầy quyền uy của chúng, chính là cách hội họa của anh chạm đến trái tim người thưởng lãm.

Trên bề mặt tranh của Hoàng Phượng Vỹ, những em bé, người phụ nữ, người đàn ông, những con mèo, con cá, lọ hoa…, tất cả hiện lên như thể chúng chợt đến trong một giấc mơ, nhưng sự rời rạc của nó, sự huyễn ảo và phi lý của nó, chính là lát cắt sắc lẹm của hiện thực. Nó, hơn bất cứ một câu chuyện dài và đầy đủ chi tiết nào, bất giác lột tả được thực tại một cách sắc sảo và ám ảnh nhất. Với thứ ngôn ngữ kiệm lời, sang trọng, tranh Hoàng Phượng Vỹ lại nói được quá nhiều điều”.

mo-hoa.jpg
Tác phẩm "Mơ hoa". 

Còn nhà thơ Bình Nguyên Trang thì nhận xét: “Hoàng Phượng Vỹ nói, không có gì tuyệt bằng khoảnh khắc được ở trong màu sắc. Một sự bay bổng, một thăng hoa của tâm hồn, một sự rời bỏ và một sự chạm vào được thiết lập. Đối với anh, khoảnh khắc cuộc sống chảy qua mình là vĩnh cửu. Nó chính là cái giá của nghệ thuật, chứ không phải sự tồn tại của bức tranh, giá tiền của bức tranh. Bởi thế, Vỹ rất yêu những cái bất thường trong nghệ thuật”. […]. Trong tranh của mình, Vỹ sẵn sàng đặt những màu nóng cạnh nhau. Những màu mà nếu học ở trường lớp, không ông thầy nào cho phép. Nó chống lại sự hài hòa uyển chuyển, nó chẳng thèm đoái hoài những tinh tế khúc thức của sách vở. Nó chỉ chạy theo một lối duy nhất, là cơn điên rồ của cảm xúc người cầm cọ. Nó sẵn sàng cho việc, hoặc trở thành một ấn tượng, một sự sửng sốt nào đó, hoặc bị chê bai, vứt bỏ. Vỹ nói, nếu cần phải vứt, không sao cả. Mọi thứ người họa sĩ giỏi nhất vẽ ra không phải đều là kiệt tác. Người họa sĩ cần phải quên bức tranh đi, dù họ đang vẽ nó. Điều họ theo đuổi duy nhất là trung thực với cảm xúc của mình, tự do hoàn toàn trong chính mình, thoát khỏi mọi quy ước, lệ thuộc”.

dan.jpg
Tác phẩm "Dần" - Hoàng Phượng Vỹ tuổi Dần, nên có thể xem là một tự họa

Nhìn lại mình, Hoàng Phượng Vỹ chia sẻ: “Nhà tôi toàn khối A. Tôi chuyển sang hội họa, rồi được giải thưởng trước khi bố tôi mất mấy năm. Tôi cảm giác bố tôi buồn nhiều hơn vui. Tại vì ông lo. Thật ra những người càng đích thực bao nhiêu, trong tâm hồn càng day dứt. Sẽ dễ dằn vặt với cuộc đời. Nếu anh làm kiến trúc ví dụ 8 tiếng, sau đấy về nhà thư giãn. Tầm này, làm cái này nó cứ luẩn quẩn trong đầu suốt ngày suốt đêm. Cái không bằng lòng với bản thân cũng trồi lên. Cũng như nhìn cuộc sống hay thấy phần chìm, phần đằng sau… Nó lại dễ khổ, dễ đổ vỡ. Tôi hay độc ẩm, cũng có nghĩa là độc thoại nhiều. Trong đó, đôi khi tính tích cực lóe lên ít hơn tiêu cực…”.

Hoàng Phượng Vỹ đã lấy mộng mị làm thực tại của cuộc đời anh. Những bức tranh chính là những cơn mơ chập chờn, chúng không tuyên ngôn về điều gì to tát cả, nhưng sự gợi mở, chất thơ và những điều bị bỏ lửng như những dấu lặng đầy quyền uy của chúng, chính là cách hội họa của anh chạm đến trái tim người thưởng lãm.

Tôi thấy nhiều hoa văn trên tranh Vỹ. Đơn giản, mộc, khỏe khoắn, vững chãi. Vỹ là một họa sỹ không giải thích và không triết lý về tranh mình. Vỹ chỉ là kẻ bước đi với đời sống của mình và để lại những dấu vết. Mỗi người xem hãy tự đi tìm những tín hiệu cho mình. Không phải cho Vỹ. Với tôi, đó là những mật mã của văn hóa nằm đâu đó trong những hiện vật tầng tầng lớp lớp của đời sống đương đại. Những hoa văn ấy tựa dấu chân giao chỉ. Và người ta nhận thấy văn hóa Việt”. […]. “Vỹ tạo ra một thế giới mà trước khi biết đến tranh của Vỹ người ta không biết có một thế giới như thế. Vỹ làm ra thế giới ấy. Thế giới ấy xác lập Vỹ. Cấp căn cước cho Vỹ. Vỹ là kẻ có căn cước trong thế giới của màu sắc. Và ở đâu tôi cũng nhận ra Vỹ”.

Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội  Nhà văn Việt Nam

hoang-phuong-vy-2.jpg

Hoàng Phượng Vỹ sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1984.

Các triển lãm cá nhân:

1997 Triển lãm “Ký ức” tại CEAE tại Hà Nội.

2002 Triển lãm Hội họa tại phòng tranh 55, Bangkok, Thái Lan.

2004 Triển lãm “Trở về” tại Hồng Kông.

2005 Triển lãm “Tuổi thơ” tại phòng tranh Quê, Hà Nội.

2022 Triển lãm “Miên Thu” tại phòng tranh Hakio – Let’s Art, Sài Gòn.

Giải thưởng:

1992 Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô, Hội Mỹ thuật Hà Nội.

1994 Giải thưởng Đồ họa, Hội Mỹ thuật Hà Nội.

1996 Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô, Hội Mỹ thuật Hà Nội.

Giải thưởng Mỹ thuật Trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Giải thưởng Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

1998 Giải thưởng Mỹ thuật ASEAN.

Bài liên quan
'Mắt nhân gian' của họa sĩ Đoàn Quỳnh Như
Bức tranh "Mắt nhân gian" của họa sĩ Đoàn Quỳnh Như được treo cạnh bên "Mấy rặng giang san". Với tôi, hai bức này đi đôi tạo cảm xúc tuyệt vời.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông mở triển lãm tặng cha