Việc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida là động thái mang tính lịch sử bất thường, vì nó nhắm vào một cựu Tổng thống Mỹ và gây nên một đợt náo loạn chính trị mà ông Donald Trump có thể lợi dụng để phục vụ cho tham vọng tranh cử năm 2024.

‘Cơn bão chính trị’ từ vụ FBI khám xét nhà ông Trump

Cẩm Bình | 09/08/2022, 16:21

Việc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida là động thái mang tính lịch sử bất thường, vì nó nhắm vào một cựu Tổng thống Mỹ và gây nên một đợt náo loạn chính trị mà ông Donald Trump có thể lợi dụng để phục vụ cho tham vọng tranh cử năm 2024.

Trong quá khứ, những cuộc điều tra đe dọa đến cựu Tổng thống Trump chỉ giúp làm tăng sức hấp dẫn của ông trong mắt người ủng hộ chứ chẳng gây ra thiệt hại gì với chính trị gia này. Nhưng hôm 8.8 vừa rồi đặc vụ FBI hành động theo lệnh khám xét từ tòa án, cho thấy họ có cơ sở xác đáng để tin rằng hành vi phạm tội đã được thực hiện. Họ tập trung khám xét Mar-a-Lago lúc cựu Tổng thống Trump ở New York.

Vụ khám xét liên quan đến việc tài liệu của Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ (một số là tài liệu mật) bị cựu Tổng thống Trump lấy đi sau khi rời nhiệm sở. Đây là một trong hai cuộc điều tra nhắm vào ông mà Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành.

Tin tức về vụ khám xét là một trong những câu chuyện gây sốc về cựu Tổng thống Trump - người từng bị luận tội 2 lần trước Quốc hội Mỹ, kích động vụ bạo loạn ngày 6.1.2021 hòng lật ngược thất bại bầu cử. Vụ việc sẽ khiến tình trạng chia rẽ sâu sắc về chính trị tại Mỹ thêm trầm trọng, hàng nghìn người ủng hộ cựu Tổng thống Trump vẫn tin rằng kết quả cuộc bầu cử 2020 bị gian lận.

Cựu Tổng thống Trump muốn tiếp tục dùng cáo buộc gian lận bầu cử cho chiến dịch tranh cử năm 2024. Ông cũng lợi dụng vụ khám xét ngày 8.8 tạo ra nhận thức rằng mình đang bị bức hại một cách bất công.

download.jpg
Đặc vụ FBI bên ngoài lối vào Mar-a-Lago - Ảnh: The Los Angeles Times

Nắm lấy cơ hội tập hợp lực lượng

Từ chối cho biết tại sao đặc vụ FBI lại đến Mar-a-Lago, cựu Tổng thống Trump chỉ tuyên bố nhà ông bị “bao vây, đột kích và chiếm đóng”, đồng thời phàn nàn Bộ Tư pháp Mỹ bị đảng Dân chủ “quân sự hóa” nhằm ngăn ông tái nắm quyền vào năm 2024.

“Một cuộc đột kích như vậy chỉ có thể xảy ra ở quốc gia nghèo khó thuộc thế giới thứ 3. Thật đáng buồn, Mỹ giờ đây lại trở thành quốc gia như vậy, tham nhũng ở mức độ chưa từng thấy. FBI thậm chí còn phá két sắt của tôi”, theo cựu Tổng thống Trump.

FBI cùng Bộ Tư pháp Mỹ đều từ chối bình luận. Một quan chức cấp cao cho biết Tổng thống Joe Biden không hề hay biết gì cho đến khi xem tin tức.

Chẳng cần biết cựu Tổng thống Trump có phạm tội hay không, nhiều đảng viên Cộng hòa phản ứng gay gắt, cho rằng ông là nạn nhân của thù hằn chính trị và yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra lời giải thích. Kevin McCarthy - nhân vật có khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ - tuyên bố sẽ điều tra Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio viết trên Twitter: “Sử dụng quyền lực nhà nước đàn áp đối thủ chính trị là điều chúng ta thường thấy ở các quốc gia độc tài, nhưng chưa từng xảy ra ở Mỹ trước đây”. Thượng nghị sĩ Rick Scott bày tỏ thái độ phẫn nộ: “Chúng tôi cần câu trả lời ngay bây giờ. FBI phải giải thích về những gì họ làm”.

Phản ứng tức thời nêu trên làm nổi bật quyền lực trong đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Trump, là dấu hiệu báo trước cuộc điều tra sẽ đối mặt với áp lực chính trị cực lớn, đồng thời cũng cho thấy chiến dịch tranh cử năm 2024 của cựu Tổng thống có thể được hưởng lợi từ hiệu ứng “tập hợp lực lượng” mà cuộc điều tra mang lại.

trump.jpg
Người ủng hộ cựu Tổng thống Trump tập trung bên ngoài Mar-a-Lago phản đối vụ khám xét - Ảnh: The Los Angeles Times

Quyết định nhạy cảm

Hành động khám xét nhà một nhân vật chính trị cấp cao vốn rất nhạy cảm. Việc ông Trump từng giữ chức Tổng thống Mỹ và từng kích động bạo lực càng khiến khám xét trở thành động thái vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy chắc chắn giới lãnh đạo FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã lường trước tác động chính trị khi làm vậy.

Theo cựu quan chức FBI Andrew McCabe: “Đây là hành động được lên kế hoạch, tái đánh giá và xem xét mọi khía cạnh pháp lý”.

Do tác động chính trị vô cùng lớn, Giám đốc FBI Christopher Wray - quan chức do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm - không thể phạm sai lầm. Chắc chắn cựu Tổng thống Trump sẽ kích động người ủng hộ phản ứng giận dữ.

Ngoài cuộc điều tra tài liệu của Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ còn đang điều tra mối liên hệ giữa cựu Tổng thống Trump với cuộc bạo loạn ngày 6.1.

Bài liên quan
Liệu ông Trump có cách chức người đứng đầu FBI khi lên nắm quyền?
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vẫn đang trong quá trình thành lập nội các. Nhiều vị trí sẽ trống khi ông tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1.2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Cơn bão chính trị’ từ vụ FBI khám xét nhà ông Trump