“Toàn bộ số vốn Nhà nước thoái ra tương đương khoảng 2% tổng giá trị sổ sách của các DNNN. Quá trình cổ phần hóa đang diễn ra rất chậm và chưa thực chất”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.
Sáng 2.12, Diễn đàn kinh tế 2017 với chủ đề “Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020” đã diễn ra tại Hà Nội do báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng thì cần thiết phải tái cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại khu vực Nhà nước, mở ra cơ hội, dư địa cho kinh tế tư nhân.
“Để làm được điều đó, cần phải giảm tỉ lệ nắm cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn ra khỏi DNNN, không cần nắm giữ trên 50%. Đây là những quyết sách quan trọng có thể tạo ra bước đột phá mới trong cơ cấu kinh tế”. – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Nhận xét về quá trình cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015, ông Lộc cho rằng vẫn chậm và chưa đi vào thực chất. Các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và các công ty vẫn mang tính đối phó, chưa có cải cách cơ bản, nhiều trường hợp đối tác mua cổ phần của DNNN chính là các DNNN khác. Có tình trạng sở hữu chéo lẫn nhau, các doanh nghiệp đó vẫn là DNNN sau cổ phần hóa thành công.
“Toàn bộ số vốn Nhà nước thoái ra tương đương khoảng 2% tổng giá trị sổ sách của các DNNN. Quá trình cổ phần hóa đang diễn ra rất chậm và chưa thực chất”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Nhận xét này phù hợp với con số mà ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính nếu ra: Từ năm 2011 đến tháng 9.2016 đã có 426 doanh nghiệp triển khai xong cổ phần lần đầu, trong đó chỉ có 254 doanh nghiệp bán được hết số cổ phần chiếm 60%, 172 doanh nghiệp chiếm 40% chưa bán hết cổ phần.
Một số doanh nghiệp lớn còn có vốn của nhà nước cao sau khi cổ phần như: Lilama có 98% là vốn của NN, TCT hàng không Việt Nam 95,5%, TCT xăng dầu 94,99%, TCT thép 93,6%, Cảng hàng không 92%… Điều đó thể hiện sự hấp thụ từ bên ngoài còn chưa được cao.
Đồng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho biết, so với tốc độ của phát triển của nền kinh tế thì việc cổ phần hóa đang bị chậm, việc giảm số lượng DNNN chỉ về hình thức. Đặc biệt, chưa thay đổi được quản trị doanh nghiệp, vẫn “bình mới rượu cũ”, tính trách nhiệm với hiệu quả đồng vốn vẫn chưa có nhiều.
Nêu một số rào cản trong quá trình cổ phần hóa, ông Phạm Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ rằng, rào cản lớn nhất chính là áp dụng chuẩn mực trong nước mà chưa áp dụng chuẩn mục quốc tế cho công việc định giá; chất lượng thông tin đưa ra cho nhà đầu tư trong quá trình định giá chưa đầy đủ.
“Chính điều này đã làm cho nhà đầu tư không tin tưởng vào việc định giá của DN đưa ra, bởi nhà đầu tư đòi hỏi phải có thông tin về pháp lý, thậm chí là cả thông tin về phi tài chính cũng phải minh bạch” – ông Thịnh nói.
Còn bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco thì cho biết doanh nghiệp thấy phiền hà khi cải cách thủ tục hành chính chỉ nghĩ đến số lượng mà chưa nghĩ đến chất lượng. Doanh nghiệp muốn đẩy nhanh năng suất lao động nhưng những thủ tục như đi xin phép đăng ký hay phê duyệt rất chậm, đây là yếu tố vô hình làm cho năng suất lao động của doanh nghiệp bị chậm.
Cho rằng cần phải thay đổi phương pháp cổ phần hóa, ông Nguyễn Quang Thuân – CEO Stoxplus nhấn mạnh, nếu làm theo cách truyền thống thì chúng ta sẽ không thể thực hiện được việc cổ phần hóa. Điều quan trọng là chúng ta phải có những cách làm mới, bởi chủ trương đã có nhưng chúng ta không có những cách làm sáng tạo, cụ thể thì cũng là trở ngại lớn.
Hoàng Long