Chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong tuần này sẽ tạo cơ hội cho Ấn Độ siết chặt quan hệ với Đông Nam Á.

Cơ hội để Ấn Độ cân bằng với Trung Quốc trong quan hệ với Đông Nam Á

16/06/2016, 13:07

Chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong tuần này sẽ tạo cơ hội cho Ấn Độ siết chặt quan hệ với Đông Nam Á.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi

Và theo chiều ngược lại, chuyến thăm này cũng sẽ giúp tăng cường liên kết chiến lược giữa Đông Nam Á với cường quốc Nam Á.

Dưới thời của Thủ tướng Narenda Modi, Ấn Độ đã thay đổi chính sách “hướng Đông” (Look East) tồn tại trong 25 năm thành chính sách “hành động hướng Đông” (Act East). Theo chính sách mới, Ấn Độ không chỉ muốn củng cố quan hệ hợp tác kinh tế với các khu vực láng giềng mà còn muốn vươn lên thành một nơi cân bằng an ninh vững chắc. Mục tiêu của chính sách này không nằm ngoài việc cân bằng lại với ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy ở châu Á. Tuy nhiên, chính sách của Ấn đã bị bỏ xa bởi chính sách “hướng Nam” có phần tích cực hơn mà Trung Quốc thực hiện gần như cùng thời điểm.

Hiện tại, trong khi Trung Quốc đã hoàn thành các tuyến giao thông nối liền khu vực phía nam và tây nam của nước này với Đông Nam Á, thì Ấn Độ sẽ phải cần thêm một năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể hoàn thành tuyến đường cao tốc dài 1.400km chạy từ khu vực Đông Bắc Ấn Độ qua Myanmar rồi đến Thái Lan.

Sự trì hoãn trong việc xây dựng tuyến cao tốc này được đổ lỗi cho tệ quan liêu, sự thay đổi chính trị, tình hình bất ổn ở biên giới và những khó khăn trong quá trình xây dựng của phía Ấn Độ. Tuy nhiên, chính quyền của ông Modi có vẻ sẽ không từ bỏ dự án vốn là trung tâm trong đại chiến lược “hành động hướng Đông” của mình. Hơn nữa, Ấn Độ cũng không thể quay lưng với Đông Nam Á, khu vực vốn đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa và tôn giáo Ấn trong nhiều thế kỷ.

Từ lâu, Đông Nam Á đã được mệnh danh là “ngã tư” của văn hóa Ấn và văn hóa Trung Hoa. Ấn và Trung đều có tầm ảnh hưởng nhất định tại đây và sẽ không có chuyện Ấn Độ nhường lại tất cả, để Trung Quốc độc quyền ảnh hưởng khu vực này.

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Modi và nhiều quan chức cấp cao khác đã không ngừng có các chuyến thăm thường xuyên đến Myanmar, Malaysia và Singapore để nâng cao hình ảnh Ấn Độ trong khu vực.

Đối với Ấn Độ, Myanmar là cửa ngõ quan trọng để vào Đông Nam Á. Hai nước chia sẻ chung đường biên giới dài 1.463 km và đầy bất ổn. Kể từ khi chính quyền quân sự cai trị Myanmar từ năm 1988, Trung Quốc đã mở rộng được ảnh hưởng còn Ấn Độ lại gặp khó khăn trong việc thiết lập ảnh hưởng tại đây. Tuy nhiên, khi Myanmar có chính phủ dân sự mới dưới sự cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi, nước này có thể sẽ theo đuổi chính sách cân bằng giữa hai nước lớn và Ấn Độ sẽ có cơ hội gia tăng ảnh hưởng.

Ngoài ra, để vào được Đông Nam Á, Ấn Độ cũng không thể bỏ qua Thái Lan, nước có vị trí địa lý nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á lục địa và giữ một vai trò chiến lược quan trọng mặc dù vai trò này đã bị suy yếu trong vài năm gần đây.

Trước đây dưới thời những chính quyền cũ, Thái Lan cũng đã có một số công cụ ngoại giao hữu hiệu như tham gia vào Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực (gọi tắt BIMSTEC) cùng với Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Bhutan và Nepal. Mặc dù BIMSTEC không đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, nhưng đây là diễn đàn tư vấn có ích cho các nước nằm ở phía tây Thái Lan. Quan hệ Thái- Ấn vào thời điểm đó cực kỳ tốt, không có xung đột lớn và có nhiều dự án hợp tác chung.

Còn hiện tại, mặc dù chính quyền quân sự của Thái Lan có xu hướng thân Trung, nhưng chắc chắn nước này sẽ không bỏ qua cơ hội hợp tác với Ấn Độ. Phía Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết chuyến thăm Ấn lần này của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ song phương, xúc tiến giải quyết các vấn đề còn sót lại trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, giáo dục và các vấn đề đa phương.

Đặc biệt, những dự án xây dựng các tuyến giao thông nối hai đất nước cũng như Hiệp định thương mại tự do Thái-Ấn, cơ hội cho Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng tại Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung, cũng sẽ được bàn bạc đến trong chuyến thăm.

Trong một diễn biến khác, tham vọng xây dựng tuyến giao thông xuyên Á kết nối thành phố Côn Minh (Vân Nam) với các nước Đông Nam Á của Trung Quốc mới đây đã bị giáng một đòn nặng nề khi chính quyền Thái Lan đã hủy bỏ thỏa thuận sơ bộ về việc xây dựng đường sắt hợp tác với Trung Quốc. Thỏa thuận này được ký vào tháng 7.2015, theo đó Thái Lan và Trung Quốc sẽ cùng đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt dài 873km bắt đầu từ Nong Khai chạy qua Bangkok và đến Rayong. Tuy nhiên, do bất đồng về chi phí và “lợi ích quốc gia”, Thái Lan đã quyết định sẽ tự mình đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.

Cẩm Bình (theo The Nation)

Bài liên quan
Thái Lan dự kiến thu hút thêm khoảng 4 triệu du khách khi thông qua luật hôn nhân đồng giới
Việc thay đổi luật dự kiến sẽ giúp GDP của Thái Lan tăng 0,3% bằng cách đem lại nhiều doanh thu hơn từ du lịch, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm mới trong ngành du lịch và ngành kinh tế nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội để Ấn Độ cân bằng với Trung Quốc trong quan hệ với Đông Nam Á