Lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ nổi tiếng về lụa, "Áo lụa Hà Đông" của nhà thơ Nguyên Sa vào cuối năm 1973. Người ta dấm dúi truyền cho nhau, chép tay, học thuộc lòng.

Chuyện vải lụa (tiếp)

18/11/2017, 18:08

Lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ nổi tiếng về lụa, "Áo lụa Hà Đông" của nhà thơ Nguyên Sa vào cuối năm 1973. Người ta dấm dúi truyền cho nhau, chép tay, học thuộc lòng.

Cảnh dệt lụa ngày xưa - Ảnh: Internet

Ngày trước, hai nhu cầu hàng đầu của con người là ăn và mặc. Ăn thì có cả quá trình, lúc đầu chỉ cốt có ăn, sau nâng lên thành ăn no, sau nữa là ăn ngon. Giờ thì ngay cả ngon người ta cũng không ham nữa, mà là ăn kiêng, ăn sạch, sợ ăn nhiều quá vào cơ thể nó sẽ sinh bệnh, kiểu như tiểu đường, mỡ máu, béo phì, gút... Có một thời mỗi lần được đi ăn cỗ, ăn tiệc thì cố ăn cho phình bụng, bỏ thì tiếc, giống như “mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng”, tan cỗ tan tiệc, chào chủ nhà, ôm cái bụng lặc lè về, suốt đêm không ngủ được bởi no quá, bụng cứ tức anh ách.

Mặc cũng vậy. Bây giờ có đi từ bắc chí nam, đố gặp được người mặc quần áo vá, ngay cả ở vùng sâu vùng xa. Thế nhưng khoảng nửa thế kỷ trước, người ta chỉ ao ước được mặc lành, mặc kín, mặc ấm, chưa cần đẹp. Về sau vải vóc sẵn, giá cũng rẻ hơn, thì từ mặc lành đòi thành mặc đẹp. Những năm 60, suốt thời niên thiếu, nếu không kể quần đùi, tôi chỉ có 2 bộ quần áo tạm gọi là lành lặn để mặc đi học, còn lại là tinh quần áo cũ vá chằng vá đụp, mặc vào đi làm đồng, đánh dậm cho đỡ cháy nắng. Lúc ở nhà thường cởi trần, chỉ đánh chiếc quần đùi, cũng chả biết ngượng ngùng là gì. Khi nào nhà có khách thì trốn xuống bếp hoặc ra đống rơm, ra bờ giếng. Tôi còn đỡ, chứ nhiều đứa cùng xóm thuộc diện bạch đinh, “quân tử nhất bộ”, chỉ nhõn mỗi bộ quần tây-áo sơ mi dùng đi học. Khi nào “nhất bộ” bẩn hoặc hôi quá thì chọn ngày nắng to, vò giặt cho nhanh, vắt kiệt phơi giữa sân, để kịp khô trước giờ đến trường.

Đám bạn học của tôi, nhiều đứa chuyên “diện” quần áo rách, bởi vá cũng chả kịp tiến độ rách, mà thày bu bận việc cày cấy chẳng có thì giờ giở kim chỉ ra vá. Ba chỗ hay rách nhất là đầu gối, mông đít (với quần), cổ (áo). Đứa nào tay chơi một chút thì ra quán thợ may thuê chần lại mông hoặc đầu gối cho thật dày, gọi là tích kê, còn cổ áo rách thì lộn lại. Nhưng như thế phải mất tiền công cho thợ, chỉ mấy hào thôi mà không có để trả. Tôi nhớ có lần hồi học lớp 5 (hệ 10 năm), chiếc quần vải chéo xanh rách hở bung đầu gối, sát giờ đi học chiều rồi, không kịp vá. Tôi bắt chước cu Gơ học cùng lớp, có kinh nghiệm xử lý quần áo cũ, phết cơm vào giấy, lộn ống quần ra dán vào chỗ rách, giữ cho nó đừng bung ra. May suốt buổi chiều miếng vá kỹ thuật ấy yên vị, nhưng tan học, từ lớp học sơ tán bên làng Phương Đôi về, khi tới cổng chùa Trà thì gặp trận mưa, miếng vá lại hoàn nguyên như cũ.

Buồn nhất là có lần tới giờ đi học mà cái quần dài duy nhất vẫn ướt sũng bởi trời nồm phơi mãi không khô, tôi đánh liều mặc quần đùi đến lớp. Tới nơi không dám vào, núp một chỗ, đợi cô Cúc (cô giáo chủ nhiệm lớp 5) bắt đầu giảng, tôi mới len lén chui tọt qua khe cửa ngồi hàng dưới cùng. Suốt buổi học cứ dính yên một chỗ, chẳng dám ra chơi, tan học vụt chạy về bán sống bán chết như bị ma đuổi, sợ nhỡ có đứa nào nhìn thấy.

Bao nhiêu năm, chỉ mong Tết. Tết đến có thức ăn ngon hơn ngày thường, nhưng với đám con nhà nghèo chúng tôi, quan trọng là có bộ quần áo mới. Đã như cái lệ bất thành văn, chỉ sát Tết các ông bố bà mẹ mới may bộ quần áo mới cho con cái. Phiếu vải nông dân tiêu chuẩn 3 mét 6 một người một năm, gần cuối năm đem ra cửa hàng hợp tác xã mua bán xếp hàng, khi thì được miếng vải chéo xanh của nhà máy dệt Nam Định để may quần tây, khi được hơn mét pô pơ lin trắng hoặc màu để may áo. Hai bác thợ may của thôn là ông Phúng và ông Cảnh cuối năm thắp đèn măng xông làm không hết việc, có khi tới giao thừa vẫn có đứa í ới chực chờ ngoài ngõ lấy quần áo để kịp về mặc sáng mùng 1 đón năm mới.

Quần tây đàn ông thời đó không như bây giờ, chỗ moi quần được đóng mở bằng 3 chiếc cúc (khuy). Nhiều hôm kẹt, mở không kịp. Mãi tới sau năm 1975 đám đàn ông ở miền Bắc mới được mặc quần tây gắn dây kéo (phẹc mơ tuya). Có những cái quần, mặc rách phải bỏ, người ta vẫn tháo dây kéo ra dùng lại. Hồi trước năm 1980, hết giờ dạy tôi hay lê la mua đồ lạc xoong ở lề đường chợ An Đông (quận 5), có hôm mua được cả nắm dây kéo cũ còn dính chỉ chưa tháo hết, rồi thìa, nĩa, dao inox...

Lại nói về lụa. Lụa có 2 thứ, lụa tơ tằm do dệt thủ công, và lụa của nhà máy dệt Nam Định. Lụa Nam Định chỉ một màu đen, dùng may quần cho các bà các chị. Bà nào sang lắm mới dám may quần lụa bởi nó đắt, nhẹ, bền màu, giặt mau khô, còn không thì chỉ may quần vải diềm bâu hoặc chéo go đen, nếu màu trắng thì nhuộm đen. Sang nữa thì may quần sa tanh, mặc trông như bà phán bà huyện hồi thuộc Pháp. Lụa tơ tằm hiếm, không phải ai cũng dám mặc. Chỉ những cụ già hoặc nhà dư giả mới diện lụa tơ tằm. Thời những năm 60, thỉnh thoảng cụ Hồ nghe tin đâu đó có gương phụ lão sản xuất giỏi, chiến đấu hăng thì gửi tặng lụa cho các cụ may quần áo. Tiểu đội lão dân quân Hoằng Hóa xứ Thanh lập công bắn rơi máy bay được cụ chủ tịch tặng cho mỗi người một bộ. Nhà thơ Tố Hữu viết “sữa để em thơ, lụa tặng già” là vậy.

Lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ nổi tiếng về lụa, Áo lụa Hà Đông của nhà thơ Nguyên Sa vào cuối năm 1973. Khi đó thơ ca miền Nam ra miền Bắc hầu như chỉ có thơ của nền văn học giải phóng và thơ của phong trào đấu tranh đô thị, còn tác phẩm của các nhà thơ nhà văn miền Nam khác bị cấm triệt để. Nhà nước bảo rằng thứ ấy đồi trụy. Vậy mà chẳng biết bằng cách nào, có những tác phẩm vẫn vượt tuyến, vượt qua bức màn sắt để ra Bắc. Người ta dấm dúi truyền cho nhau, chép tay, học thuộc lòng. Hôm ấy tôi theo một anh lớp năm thứ 4 (năm cuối làm luận văn thì được vào phòng tư liệu) khoa Văn, Đại học Tổng hợp vào phòng tư liệu đọc ké. Có cả anh Bùi Trọng Cường cùng lớp nhưng do anh đi bộ đội về học lại nên được ưu tiên các chính sách hơn bọn sinh viên thường. Phòng tư liệu hồi đó tập trung những đấng bậc tài giỏi nhưng không được dạy, chỉ được dịch tài liệu, nghiên cứu, hệ thống tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy, trong đó có thầy Cao Xuân Hạo (con cụ Cao Xuân Huy), thầy Phan Ngọc (con cụ Phan Võ), cực kỳ uyên bác, nổi tiếng, đám sinh viên khâm phục lắm.

Tôi đang lớ ngớ thì anh Cường ngoắc tôi lại, cho coi bản in roneo tập thơ của nhà thơ Nguyên Sa. Tôi chưa lần nào nghe tên ông, lại càng không được đọc thơ ông bao giờ. Bài thơ Áo lụa Hà Đông ngay đầu sách, đọc xong có cảm giác đất trời sụp đổ. Chỉ còn giọng thơ dịu dàng, cực kỳ đằm thắm “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”, “Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh”, “Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết/Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu”, “Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn/Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng”. Ôi giời, quanh năm suốt tháng chỉ đọc chỉ nghe thơ rổn rảng binh đao, hừng hực sắt máu chiến tranh, giờ Áo lụa Hà Đông khiến những người như tôi thấy chới với, bâng khuâng khó tả.

Tôi đang ngẩn ngơ định đọc thêm vài bài nữa của Nguyên Sa thì anh Cường lại đưa tôi tập thơ của Lam Vị Thủy, cũng một cái tên mình chưa nghe bao giờ. Những câu thơ trong bài gì đó tôi không còn nhớ, chỉ loáng thoáng “Em còn nhớ không Cống Trắng - Nam Đồng/Lớp học ban đầu, em còn nhớ không?” và cái kết “Sao em không về làm chim thành phố/Lệ nhỏ hai hàng thắp đỉnh ngọn cây”, tới đó bỗng rùng mình, sao mà hay đến thế, mình chưa hề gặp trong dòng thơ cách mạng. Giá như thày Hạo, thầy Ngọc cho chép lại thì tuyệt, nhưng khổ nỗi các thầy làm sao dám xé rào. Hết giờ đọc, tôi đành trả lại 2 tập thơ giấy xỉn đen về lụa, về "lệ thắp đỉnh ngọn cây” và từ bấy không có dịp đọc lại. Mãi tới khi vào nhận công tác ở Sài Gòn tháng 4.1977, một trong vài việc đầu tiên của tôi ở thành phố này là ra chợ sách Đặng Thị Nhu và mấy sạp sách cũ trên đường Lê Lợi ở quận 1 để tìm Nguyên Sa, tìm Lam Vị Thủy, tìm lụa, Áo lụa Hà Đông. (còn tiếp)

Xuân Quỳnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện vải lụa (tiếp)