Tiến sĩ Jonathan Pincus (thuộc tổ chức UNDP) nhận định rằng hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ, còn số doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải ở lĩnh vực chế biến chế tạo mà từ bất động sản, đầu cơ đất đai.

Chuyên gia LHQ: Những doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam giàu lên nhờ đầu cơ đất đai

Lam Thanh | 26/04/2022, 16:21

Tiến sĩ Jonathan Pincus (thuộc tổ chức UNDP) nhận định rằng hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ, còn số doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải ở lĩnh vực chế biến chế tạo mà từ bất động sản, đầu cơ đất đai.

Ngày 26.4, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới”.

Mô hình tăng trưởng không khuyến khích đổi mới sáng tạo

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đạt được một số kết quả tốt, như kinh tế vĩ mô cơ bản đã được ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu…

Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên...

tt-2.jpg
Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới”

Ngoài ra, tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thông dụng lao động. Ở mức độ nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng.

Các vấn đề về cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch. Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là vốn ODA.

Ông Hiển cũng cho biết tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.

Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thế chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện…

tt-3.jpg
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng một mô hình tăng trưởng “dễ dãi”, dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có, vào nguồn lao động thiếu kỹ năng, vào việc “bơm” tín dụng rẻ đã gây ra hệ lụy triệt tiêu động lực: đánh đổi tăng trưởng với môi trường, nền kinh tế tiền lương thấp, xu hướng lạm phát cao…

“Tích hợp những yếu tố tiêu cực đó tất yếu dẫn đến một nền kinh tế mang nặng tính đầu cơ. Không hề là tình cờ khi trong nhiều năm liền, số lượng doanh nghiệp bất động sản, các trung tâm, tư vấn môi giới kinh doanh bất động sản và chứng khoán thường chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới”, ông Thiên nhận xét.

Theo ông Trần Đình Thiên, trong nhiều năm, mô hình tăng trưởng của Việt Nam được thiết kế theo định hướng khuyến khích nhập khẩu, cả nguyên liệu đầu vào lẫn hàng tiêu dùng thông thường, không khuyến khích sản xuất nội địa và xuất khẩu.

Thêm nữa, cơ chế phân bổ ngân sách và phân bổ vốn đầu tư dựa trên nguyên tắc xin - cho, chính sách tỷ giá hối đoái, thuế xuất nhập khẩu... đã trở thành động lực mạnh thúc đẩy xu hướng lệ thuộc nhập khẩu đầu vào, khuyến khích phát triển các ngành gia công, lắp ráp, khai thác tài nguyên, kìm hãm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Mô hình tăng trưởng đó không khuyến khích đổi mới - sáng tạo, triệt tiêu năng lực liên kết chuỗi và cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt”, ông Thiên nêu.

Doanh nghiệp lớn chủ yếu xuất phát từ đầu cơ đất đai

Tiến sĩ Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển, bên cạnh việc duy trì tỷ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.

Đáng chú ý, TS Jonathan nhận xét hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ, những doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai.

“Cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và FDI, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ”, TS Jonathan Pincus nói.

tt-4.jpg
TS Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

Ngoài ra, TS Jonathan Pincus cũng cho rằng Việt Nam cần chuyển hóa tốt hơn từ khâu lập chiến lược, kế hoạch đến khâu triển khai chiến lược, kế hoạch thông qua việc giảm phân mảnh quyền lực trong quá trình thực thi.

TS Đặng Kim Sơn cho rằng mục tiêu “thoát bẫy thu nhập trung bình” là rất khó khăn. Các nền kinh tế châu Á đã vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình phải nâng tốc độ tăng trưởng GDP lên từ 8,2 - 10,5%/năm trong 5 - 9 năm liên tục.

"Cuộc đua của Việt Nam rất khó khăn vì tốc độ tăng trưởng thấp hơn hẳn. Đỉnh cao đổi mới kinh tế cũng chỉ có 19 năm tăng trưởng trên 7%/năm (1989-2007), rồi sau khi lên mức thu nhập trung bình thấp năm 2010 đã tăng chậm lại dần. Rõ ràng, mô hình tăng trưởng cũ kéo dài đến hiện nay không cho phép kinh tế Việt Nam bứt phá cần thiết để vượt qua bẫy thu nhập trung bình", ông Sơn nói.

GS-TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng kinh tế số là động lực tăng trưởng mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo ông Đạt, cần có chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo gắn chặt với số hóa; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia LHQ: Những doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam giàu lên nhờ đầu cơ đất đai