Chuyên gia cho biết các đợt phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu và làm gia tăng lạm phát trong những tháng tới.

‘Trung Quốc tiếp tục phong tỏa sẽ khiến lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu tồi tệ hơn’

Sơn Vân | 24/04/2022, 15:42

Chuyên gia cho biết các đợt phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu và làm gia tăng lạm phát trong những tháng tới.

Chính sách Zero COVID tiếp tục được duy trì khi Trung Quốc đang vật để đối phó đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất. Sự thất vọng đang gia tăng vì tình trạng thiếu lương thực, người dân bị buộc phải ở nhà trong nhiều tuần và chính sách giết động vật nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Trong khi thành phố Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa kéo dài gần 1 tháng, Thượng Hải - thành phố lớn nhất của Trung Quốc, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, vẫn phong tỏa kể từ ngày 28.3.

Những ảnh hưởng đến kinh tế bắt đầu lộ rõ. Nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc đang trên đà giảm 20% vào tháng 4.2022, trong đợt sụt giảm lớn nhất kể từ lần phong tỏa đầu tiên cách đây hơn 2 năm vì đại dịch, các nguồn tin nói với trang Bloomberg. Các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trở nên tồi tệ hơn.

Một cơn ác mộng với chuỗi cung ứng

1/5 tàu container đang bị mắc kẹt tại các cảng trên toàn thế giới, với 30% lượng hàng tồn đọng đến từ Trung Quốc.

Lars Jensen, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn ngành công nghiệp vận tải container Vespucci Maritime, nói với trang Fortune rằng tác động đầy đủ do các chính sách của Trung Quốc sẽ bắt đầu bộc lộ trong những tuần tới.

Đến nay hầu hết các tàu vẫn ghé thăm cảng Thượng Hải gần như bình thường - điều này có nghĩa là hàng hóa đến đây sẽ không nhầm chỗ. Song điều này có thể sẽ thay đổi trong những tuần tới nếu lệnh phong tỏa không được dỡ bỏ. Sau đó, bạn sẽ thấy nhiều thiếu sót của cảng ở Thượng Hải và các chuyến đi bị hủy bỏ, qua đó tác động đến chuỗi cung ứng sẽ tăng lên”, Lars Jensen nhận xét.

trung-quoc-tiep-tuc-phong-toa-se-khien-lam-phat-tang-cao.png
Thượng Hải có cảng container lớn nhất thế giới - Ảnh: Xinhua

Ngay cả khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải được dỡ bỏ, các cảng của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng bởi làn sóng hàng hóa bị dồn nén từ các nhà máy mới mở cửa trở lại tại Trung Quốc. Điều đó sẽ dẫn đến giá cước vận chuyển cao hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên toàn thế giới, theo Lars Jensen.

Victor Meyer, Giám đốc vận hành nhà cung cấp thông tin tình báo rủi ro Supply Wisdom, tin rằng sẽ mất nhiều tháng để chuỗi cung ứng trở lại bình thường và ông cho rằng các cảng của Mỹ có thể gặp tình trạng gián đoạn sớm.

Ông nói: “Hiệu ứng tiếp theo có thể sẽ được cảm nhận ở các cảng Los Angeles và Long Beach của Bờ Tây nước Mỹ khi nhu cầu bị dồn nén đến với họ”.

Cú sốc lạm phát khác

Các chuyên gia cho biết vấn đề tại các cảng đồng nghĩa với việc tăng chi phí cho các công ty và gia tăng lạm phát với người tiêu dùng Mỹ.

Các công ty đang bắt đầu hoảng loạn. Tác động hạ nguồn sắp tới và nó sẽ rất nặng nề. Các đợt phong tỏa mới nhất của Trung Quốc kết hợp với cuộc chiến Nga-Ukraine là gánh nặng quá lớn. Sự hỗn loạn toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn và đưa lạm phát lên một cấp độ mới”, theo John Bree, Giám đốc rủi ro của Supply Wisdom.

Tuyên bố của John Bree được hỗ trợ bởi các báo cáo gần đây từ các ngân hàng đầu tư, cảnh báo về tác động kinh tế của việc Trung Quốc phong tỏa.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Mỹ (Bank of America) do Ethan Harris dẫn đầu lưu ý với khách hàng rằng đó là "một cú sốc cung cấp bất lợi khác cho nền kinh tế toàn cầu", sẽ làm suy yếu tăng trưởng và kéo dài thời kỳ lạm phát cao.

Dylan Alperin, người đứng đầu bộ phận dịch vụ chuyên nghiệp của công ty phần mềm chuỗi cung ứng Keelvar, lưu ý rằng chi phí vận tải chiếm 7,7% GDP toàn cầu, đồng nghĩa là sự chậm trễ tại các cảng thường dẫn đến lạm phát gia tăng.

Dylan Alperincho biết: “Chi phí vận chuyển cho một container từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng từ 5.900 USD năm ngoái lên 15.764 USD hiện nay”. Ông nói thêm, tác động của những đợt tăng giá đó có thể khiến lạm phát tăng lên đáng kể trên toàn cầu.

Dawn Tiura, Giám đốc điều hành Sourcing Industry Group (SIG), một hiệp hội của các chuyên gia mua sắm và tìm nguồn cung ứng, cũng nghĩ rằng việc Trung Quốc phong tỏa sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn.

Dawn Tiura nói: “Các chuỗi cung ứng của chúng ta rất liên kết với nhau và chúng trở nên mỏng manh đến mức một vấn đề duy nhất ở một nơi sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên toàn cầu”.

Jim Bureau, Giám đốc điều hành của Jaggaer - công ty công nghệ mua sắm và thương mại toàn cầu, lưu ý rằng nhiều nhà sản xuất Mỹ tìm nguồn nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu các linh kiện máy móc và thiết bị điện tử quan trọng.

Theo Ngân hàng Mỹ, Trung Quốc chiếm 18% tổng lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu. Với máy tính và điện tử, con số đó tăng lên 35%.

Jim Bureau cho biết thêm: “Làn sóng ngừng hoạt động gần đây nhất ở Trung Quốc sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các hạn chế về nguồn cung, với hiệu ứng nhỏ giọt trên cung cấp hàng hóa thành phẩm”.

Bài liên quan
Trung Quốc và Thượng Hải tính ca tử vong do COVID-19 ra sao mà người chết thấp bất thường?
Ở Trung Quốc, các cơ quan y tế chỉ tính những người chết trực tiếp do COVID-19, loại trừ những người vốn có tình trạng trở nên tồi tệ hơn vì SARS-CoV-2.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Trung Quốc tiếp tục phong tỏa sẽ khiến lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu tồi tệ hơn’