"Tỷ lệ thu thuế nếu tính cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP thôi. Như thế, chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai".
Ăn hết phần của con cháu
Phát biểu tại Hội thảo khoa học về dự án sửa đổi một loạt các luật thuế của Bộ Tài chính do Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) cho biết, mức động viên thuế còn cách xa mục tiêu mà chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra.
Cụ thểtheo chiến lược, trong giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ đóng góp của thuế trên GDP là 23-24%, trong đó thu từ thuế phí, lệ phí đạt 22-23% GDP. Trên thực tế, mức động viên thu ngân sách trong giai đoạn này đạt 23,7% GDP, trong đó thu từ thuế chỉ đạt 18,1% GDP.
"Các con số này nói lên rằng mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP thôi. Như thế, chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai", ông Phụng bình luận.
Đại diện cơ quan thuế cho biết, nghiên cứu dự thảo nội dung các văn kiện của Dự án sửa đổi một số luật Thuế lần này cho thấy, lý do và mục tiêu đặt ra cho sửa đổi lần này là nhằm thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN)theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó cần tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNNtheo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Tăng thuế là kết quả của tăng chi tiêu
Mặc dù mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu thuế để đảm bảo theo thông lệ quốc tế nhưng nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, đây lại không phải lý do thuyết phục để tăng thuế.
Ở góc nhìn khác, TS Phan Hữu Nghị -Trưởng bộ môn Tài chính công, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ratăng thuế là kết quả của tăng chi tiêu ngân sách Nhà nước theo quy luật "Mở rộng Nhà nước".
"Việt Nam không ngoại lệ so với các nước trên thế giới khi chi tiêu ngân sách tăng nhanh hơn 10%/năm, có giai đoạn lên tới hơn 20%. Tốc độ tăng chi tiêu ngân sách nhanh hơn hẳn tốc độ tăng trưởng nền kinh tế (6-7%) từ đó tạo ra sức ép nguồn thu, NSNN lấy từ đâu để tài trợ cho chi tiêu?".
Đặc biệttheo ông Nghị, nếu xem xét một cách khách quan thì tính bền vững NSNN từ lâu nay đã rất “yếu” nên khi kinh tế gặp khó khăn số thu bị suy giảm thì những hạn chế sẽ được bộc lộ rõ hơn.
Cụ thể: nguyên tắc cơ bản trong điều hành là thu thường xuyên NSNN nói chung phải lớn hơn chi thường xuyên NSNN để dành một phần thu thường xuyên cho chi đầu tư phát triển. Chính vì vậy nhà nước đi vay nợ chỉ nhằm cho chi đầu tư phát triển chứ không phải chi thường xuyên và đó chính là công cụ trái phiếu chính phủ hay công trái.
"Nhưng từ nhiều năm nay thu thường xuyên chỉ đủ cho chi thường xuyên có nhiều năm không đủ, nếu giảm trừ thu từ dầu thô, thuế tài nguyên hay thu hồi vốn của doanh nghiệp nhà nước thì thu thường xuyên không đủ chi thường xuyên, tức là nhà nước phải đi vay cho chi thường xuyên", ông Nghị cho biết.
Vị chuyên gia cho biết, theo tính toán từ nghiên cứu số liệu NSNN qua các năm, cùng với khó khăn trong tìm kiếm nguồn thu mới cho NSNN trước sức ép tăng chi tiêu, giải pháp ngắn hạn là vay nợ và tiến tới bắt buộc là tăng thuế gián thu trong thời gian tới (như VAT tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường), vì những loại thuế đang đóng góp chủ yếu nguồn thu cho NSNN hiện nay, chiếm 50% nguồn thu NSNN.
Trong khi đó thuế trực thu và thuế xuất nhập khẩu sẽ khó có khả năng tăng thuế trước xu hướng chung là cạnh trạnh thuế giữa các nước và hội nhập về kinh tế.
"Ví dụ mức thuế suất thuế GTGT phổ thông có thể sẽ không còn là 10% nữa, thuế TTĐB sẽ tăng một số mặt hàng có số thu lớn, thuế môi trường với xăng dầu sẽ tăng và tìm thêm nguồn thu mới như thuế tài sản. Thuế tài sản sớm hay muộn cũng cần được ban hành nhằm bổ sung cho thuế TNCN vì thu nhập có thể lẩn tránh nhưng tài sản thì khó lẩn tránh. Hơn nữa thuế tài sản thuộc nhóm thuế trực thu được phần lớn các nước trên thế giới áp dụng", ông cho biết thêm.
Theo Phương Dung/Dân Trí