Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, những người dám phá rào vì đất nước.

Chủ tịch VCCI: Cần có cơ chế bảo vệ người dám phá rào vì đất nước

Lam Thanh | 10/10/2020, 15:39

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, những người dám phá rào vì đất nước.

Tại Diễn đàn Doanh nhân 2020 vừa diễn ra, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc dẫn ra, năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân.

vu-tien-loc.jpg
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu 

“Bác đã viết "Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên, chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.

Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên"”,  ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cho biết, hơn 3 thập kỷ qua, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào gần 800.000 doanh nghiệp, 5,4 triệu hộ kinh doanh.

"Họ là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập", ông Lộc đánh giá.

Hiện nay, theo đại diện VCCI, Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ COVID-19, một thử thách chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: Khống chế được dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân. Việt Nam vẫn đang là một địa điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới đầy bất ổn.

Cũng theo ông Lộc, các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ qua đã xác lập một hệ thống chủ trương, chính sách khá đồng bộ cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng còn một chủ trương, chính sách mà rất cần sự quan tâm của Đảng là chủ trương, chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể - chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu con người, nơi tạo ra 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta.

“Rất cần một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch định vị và làm rõ vai trò và chính sách phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới và hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm ở nước ta”, ông Lộc nói.

Tuy vậy, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng chúng ta chưa thể hài lòng về sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, vì cộng đồng tuy đông nhưng chưa mạnh. Dù đã có một số doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp Việt được thế giới ghi danh, nhưng chúng ta chưa có được cả một thế hệ các nhà công nghiệp sánh vai với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều 'đại gia' của Việt Nam cho tới nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng… Số làm công nghiệp, công nghệ 'Make in Việt Nam', 'Make by Việt Nam' chưa nhiều.

Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều doanh nghiệp chưa cao. Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực.

"Những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của những công cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA… hay cuộc cách mạng công nghệ số, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi. Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn bé, nhỏ vừa đều phải chuyển mình theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và có trách nhiệm hơn", ông Lộc nhấn mạnh.

Thế giới của ngày hôm nay sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới.

"Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ doanh nghiệp", ông Lộc bình luận.
Cho biết ngày 20.10 tới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ công bố dự thảo các văn kiện Đại hội lấy ý kiến toàn dân, ông Lộc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cả nước và các hiệp hội doanh nghiệp sát cánh cánh với VCCI tham gia góp ý vào các văn kiện.

"Muốn vượt bẫy thu nhập trung bình phải vượt bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình...", ông Lộc nói và kêu gọi và nhấn mạnh "Chúng ta ủng hộ những nỗ lực quyết liệt của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian qua và hy vọng công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Song hành với đó là những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn để góp phần giải quyết một căn nguyên gốc rễ của tình trạng tham nhũng và tạo được động lực sáng tạo cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá vượt lên".

Ông cũng đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá vì lợi ích chung, những người dám phá rào vì đất nước.

Bài liên quan
TS Vũ Tiến Lộc: Có thể tiến sát mốc 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020: nếu giữ nguyên tốc độ tăng doanh nghiệp như trong 3 năm qua thì đến hết năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 984 nghìn doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch VCCI: Cần có cơ chế bảo vệ người dám phá rào vì đất nước