Theo Tổng cục Thống kê, mức xuất siêu kỷ lục hiện nay còn thiếu tính bền vững khi kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 185,9 tỉ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu.

Xuất siêu cao kỷ lục nhưng vẫn thiếu tính bền vững, phụ thuộc nguyên, nhiên liệu nhập khẩu

Lam Thanh | 06/10/2020, 12:33

Theo Tổng cục Thống kê, mức xuất siêu kỷ lục hiện nay còn thiếu tính bền vững khi kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 185,9 tỉ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt mức xuất siêu lên tới gần 17 tỉ USD sau 9 tháng là một điểm sáng của nền kinh tế, mức xuất siêu này gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2018 và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2019.

Trong đó phải kể đến sự đóng góp của xuất khẩu với 202,9 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 36,7 tỉ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,2 tỉ USD; hàng dệt may đạt 22,1 tỉ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,2 tỉ USD; giày dép đạt 12,1 tỉ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỉ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,5 tỉ USD; thủy sản đạt 6 tỉ USD.

Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước ngày càng khẳng định vai trò đóng góp của mình khi có giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 71,8 tỉ USD, tăng cao 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng trong đại dịch chứng tỏ các nước vẫn đặt hàng hóa Việt Nam ở vị trí ưu tiên.

Xuất siêu lớn còn mang lại tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, mức xuất siêu kỷ lục hiện nay còn thiếu tính bền vững khi kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 185,9 tỉ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu.

Khi thương mại toàn cầu bị đứt gãy do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, việc các doanh nghiệp Việt Nam thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất bị đình trệ đã dẫn tới hệ lụy là suy giảm nhập khẩu.

Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 93,5% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu nhưng ước tính đạt 173,7 tỉ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước 9 tháng năm nay cũng chỉ tăng 2,4%, cho thấy sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người dân.

“Để bức tranh xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong thời gian tới, chúng ta cần cơ cấu lại hàng hóa xuất nhập khẩu, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ… nhằm giúp kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài”, Tổng cục Thống kê nêu.

Đồng thời, theo cơ quan này, cần có biện pháp kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất.

Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA).

Bài liên quan
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát, Việt Nam xuất siêu kỷ lục
Bất chấp tình hình chiến tranh thương mại trên toàn thế giới cũng như dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tình hình xấu nhập khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều khả quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất siêu cao kỷ lục nhưng vẫn thiếu tính bền vững, phụ thuộc nguyên, nhiên liệu nhập khẩu