Sáng 24.3, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của khóa 14.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây là kỳ họp 'cầu nối' giữa hai nhiệm kỳ

Lam Thanh | 24/03/2021, 10:39

Sáng 24.3, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của khóa 14.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Quốc hội khai mạc kỳ họp 11 vào thời điểm cả nước đang triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và đang chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.

quoc-hoi.png
Khai mạc kỳ họp 11 Quốc hội khóa 14

"Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14. Đến thời điểm này, chúng ta có thể tự hào về những thành quả đạt được trong 5 năm qua, nâng cao vị thế đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước", bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 5 năm qua, tình hình có nhiều diễn biến khó lường, có nhiều biến động, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan nhà nước đã phối hợp chặt chẽ, nêu cao trách nhiệm, đổi mới, luôn luôn vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Kỳ họp này là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong nhiệm kỳ mới, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Có thể nói, đây là kỳ họp "cầu nối" giữa hai nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu quốc hội nêu cao trách nhiệm, đóng góp các ý kiến trí tuệ, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Theo dự kiến, chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra trong 12 ngày; khai mạc sáng 24.3 và bế mạc ngày 8.4.

Tại kỳ họp này, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội dành phần lớn thời gian tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và công tác nhân sự cấp cao nhà nước.

Trong đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày cho công tác kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước.

Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 14 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội khóa 14 được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22.5.2016. Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước…

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa 14 đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống; nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.

Quốc hội luôn đề cao việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; các quy định, hướng dẫn về kỹ thuật lập pháp được ban hành để áp dụng thống nhất, bảo đảm tính nhất quán của văn bản, hạn chế mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định. Tính dự báo trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, chương trình còn phải điều chỉnh nhiều. Việc lấy ý kiến về dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; có nội dung đánh giá tác động chính sách chưa sâu, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động.

Bên cạnh đó, một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn các phương án đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Một số luật có tính khả thi chưa cao, vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, phải sửa đổi, bổ sung; không ít quy định còn chung chung, khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…

Nguyên nhân của những hạn chế là đất nước đang trong quá trình phát triển, tình hình trên thế giới biến chuyển nhanh. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu quốc hội.

Ngoài ra, công tác phối hợp trong việc tham gia thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả. Chưa có đầy đủ các chế tài trong việc xử lý đối với trường hợp không tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chưa có cơ chế phù hợp để thu hút và phát huy hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như thu thập, xử lý đầy đủ ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh…

Bài liên quan
Đồng Tháp khai mạc Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 2
Sáng 15.11, Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 2 (Mekong Startup 2024) với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” đã chính thức khai mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây là kỳ họp 'cầu nối' giữa hai nhiệm kỳ