Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09.12.2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11.2015, báo giới đã đề cập đến vấn đề liên quan báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ trình Quốc hội.
Cụ thể tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Một số ý kiến cho rằng, khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ.
Về chỉ đạo của Chính phủ để xử lý tình trạng nợ của DNNN cũng như khả năng việc khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Việt Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay: "Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09.12.2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của mình; bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ; xây dựng kế hoạch, cân đối dòng tiền, bảo đảm nguồn trả nợ; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng cam kết, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; lãnh đạo doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng trả nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời Nghị định cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo quản lý nợ đối với DNNN.
Hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1% là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%".
Theo ông Nên, việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường. Việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN vay vốn đều thực hiện chặt chẽ theo quy định về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16.2.2011 của Chính phủ.
"Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển. Các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ", Bộ trưởng Nên nói.
Cũng tại buổi họp báo này, báo giới cũng đã đặt câu hỏi Chính phủ đã bàn cụ thể về việc Quốc hội đã đồng ý cho phép phát hành 3 tỉ USD trái phiếu Quốc tế để đảo nợ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói: "Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng về phương án phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ.
Việc xác định thời điểm phát hành, lộ trình phát hành sẽ được tính toán, cân nhắc trên cơ sở đánh giá điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế, bảo đảm lợi ích cao nhất".
Về Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện việc khoán xe công, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết: "Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04.8.2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), trong đó cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Dự án Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định".
Tuệ Minh