Có thể ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật... trong quá trình điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền...

Quan tham nộp lại 3/4 tài sản tham ô sẽ thoát án tử hình

Một Thế Giới | 27/11/2015, 14:53

Có thể ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật... trong quá trình điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền...

Sáng 27.11, bước vào ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội (QH) đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi với 415 đại biểu (ĐB) đồng tình (chiếm 84,01% tổng số ĐB).
an tu hinh, toi tham o, bo luat hinh su (sua doi), dieu tra tham nhung, toi khung bo, Quoc hoi
QH biểu quyết thông qua bộ luật hình sự sửa đổi sáng 27.11 - Ảnh: Văn Duẩn
Thoát án tử nếu nộp lại 3/4 tài sản tham ô
Trong báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát khoản 2 Điều 12 để bổ sung thêm các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự gồm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265).
Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình (Điều 40), có ý kiến đề nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình với người từ đủ 75 tuổi trở lên nếu phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, tội phạm về ma túy.
Uỷ ban Thường vụ QH nhận thấy, việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ như dự thảo là "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử" ở Khoản 2 và khoản 3 là "Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ 75 tuổi trở lên...".
Cũng tại Điều 40, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ QH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm c khoản 3 theo hướng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH, kết quả cho thấy, đa số ĐBQH tán thành quy định này.
Biểu quyết thông qua riêng về điều 40 quy định về tử hình, chỉ có 342 ĐB đồng tình (chiếm 69,23% tổng số ĐBQH).
Dự thảo Bộ luật Hình sự sau khi chỉnh lý có 426 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016.
Cho phép ghi âm, nghe điện thoại bí mật để điều tra tham nhũng, khủng bố
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được QH thông qua trong sáng 27.11 với 85,63% tổng số đại biểu tán thành.
Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Bộ luật là biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, tham nhũng, khủng bố trong tình hình hiện nay.
Theo đó, luật quy định sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Các biện pháp này có thể được áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Về thẩm quyền, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Trường hợp vụ án đang được thụ lý, điều tra ở cấp huyện, cấp khu vực thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, cấp khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.
Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định trong Bộ luật này.
Quyết định trên phải được Viện trưởng VKSND cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.
Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Không được sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.
Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn.
Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn phải kịp thời quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi thuộc một trong 3 trường hợp: Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can
Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 183), nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH không tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo, đề nghị thu hẹp hơn, chỉ áp dụng trong các trường hợp hỏi cung bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm để bảo đảm tính khả thi, tránh lãnh phí.
Do ý kiến ĐBQH còn khác nhau, UBTVQH đã lấy phiếu xin ý kiến và kết quả có 45,95% ý kiến ĐBQH trên tổng số ĐBQH tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo; 34% ý kiến ĐBQH trên tổng số ĐBQH đề nghị chỉ bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong trường hợp bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm.
UBTVQH nhận thấy, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo là cần thiết. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Khoản 6 Điều 183 Bộ luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cần giao cho Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục việc thực hiện, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1.1.2017. Chậm nhất đến 1.1.2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Văn Duẩn - Người lao động
Bài liên quan
Tuyên án tử hình kẻ chém nam thanh niên tử vong ở An Giang
Chiều tối 20.11, TAND tỉnh An Giang tuyên án 8 bị cáo trong vụ vô cớ chém người khiến một thanh niên tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan tham nộp lại 3/4 tài sản tham ô sẽ thoát án tử hình