Trước khi HĐXX phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng tiến hành nghị án, ông Võ Ngọc Châu, chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước (Công ty Đa Phước) đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy 1 phần bản án sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi của Công ty Đa Phước là “người thứ 3 ngay tình”.

Chủ đầu tư Khu đô thị quốc tế Đa Phước đề nghị hủy án sơ thẩm

12/05/2020, 08:28

Trước khi HĐXX phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng tiến hành nghị án, ông Võ Ngọc Châu, chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước (Công ty Đa Phước) đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy 1 phần bản án sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi của Công ty Đa Phước là “người thứ 3 ngay tình”.

>> Nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch Đà Nẵng đề nghị tòa tuyên vô tội

>> Phan Văn Anh Vũ: ‘Không biết chủ trương của thành phố là đúng hay sai’

>> Viện kiểm sát bác kháng cáo kêu oan của 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng​

Khi được nói lời sau cùng, tại phiên xét xử, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), cựu Chủ tịch HĐQT công ty CP Xây dựng 79, công ty CP Bắc Nam 79 cho rằng bản thân là người đi mua, không quyết định được chủ trương chuyển đổi hay giá cả, nếu sai thì bên bán là UBND TP.Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm.

Phan Văn Anh Vũ một mực khẳng định không câu kết với cán bộ nào của Đà Nẵng nên không thể là đồng phạm. Trong khi đó, đại diện VKS có căn cứ xác định có sự thống nhất về hành vi trái pháp luật. Trong đó, doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ không thuộc diện được mua nhà, đất công sản nhưng bị cáo này đã lợi dụng các mối quan hệ với bị cáo Trần Văn Minh - cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng rồi thâu tóm và chuyển nhượng để thu lời, khiến nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng. Chỉ riêng dự án 29 ha ở Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, số tiền thiệt hại trên 11.200 tỉ.

Liên quan đến dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, ông Võ Ngọc Châu, chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước (Công ty Đa Phước) đề nghị HĐXX cho cơ hội nêu quan điểm bởi dự án này được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50% thiệt hại của vụ án nhưng ông là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lại không được tòa sơ thẩm triệu tập.

Ở vụ án này, Công ty Đa Phước đã kháng cáo toàn bộ phần bản án có liên quan đến khu đất 29 ha. Tại bản án sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội đã tuyên yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng và các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân tại 3 dự án gồm: khu đất 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước; dự án Khu dân cư An Cư 2, 3 mở rộng và dự án Khu nhà ở Phú Gia Compound.

Tuy nhiên sau đó, TAND TP.Hà Nội ra đính chính bản án, tuyên thu hồi khu đất 29 ha. Trình bày tại phiên phúc thẩm, luật sư Nguyễn Hải Âu và ông Võ Ngọc Châu đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy 1 phần bản án sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi của Công ty Đa Phước là “người thứ 3 ngay tình”.

Theo luật sư Nguyễn Hải Âu, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Đa Phước, công ty này nhận chuyển nhượng khu đất 29 ha từ năm 2015, trước thời điểm khởi tố vụ án. Việc mua bán, nhận chuyển nhượng này không liên quan đến giao dịch giữa Vũ “nhôm” và UBND TP.Đà Nẵng.

Nếu dự án bị thu hồi sẽ để lại hậu quả pháp lý nặng nề khi 200 khách hàng mua nhà trong dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty Đa Phước phá sản bởi khoản vay 1.500 tỉ đồng từ ngân hàng SHB và Vietcombak để phát triển dự án.

Theo hồ sơ vụ án, ông Võ Ngọc Châu khẳng định trong vụ việc này, ba dự án An cư, Phú Gia và dự án Khu 29 ha của Công ty Đa Phước có cùng bản chất.

Cụ thể, đều bị tòa án kết luận là đất dùng để làm dự án được giao trái pháp luật; đất đó được chuyển giao qua nhiều chủ sở hữu khác nhau và người cuối cùng phát triển dự án không hề biết gì về việc giao không đúng của cơ quan nhà nước; dự án cùng được sự phê duyệt của các cấp chính quyền trước khi triển khai; phần lớn sản phẩm của dự án đã được phân phối cho người dân và hiện họ đang sinh sống ổn định.

Vì lý do đó, ông Châu thấy không được đối xử công bằng khi tòa sơ thẩm không thu hồi dự án Phú Gia và dự án An Cư trong khi lại quyết định thu hồi Khu đất 29 ha của Công ty Đa Phước không có một lý do thuyết phục nào.

Ông Châu cho rằng xét dưới góc độ đóng góp cho xã hội, ông là người có đóng góp rất lớn để tạo dựng nên Khu đô thị 29 ha. Do đó, ông cần phải được bảo vệ nhiều hơn những công dân khác đã mua sản phẩm trong khu đất 29 ha.

“Theo cách hiểu thông thường, ai gây ra thiệt hại, người đó có trách nhiệm bồi thường. Nói cách khác, những người có thẩm quyền thuộc UBND TP.Đà Nẵng và ông Phan Văn Anh Vũ có sai phạm khi giao sai đất, dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước thì những người đó phải bồi thường. Viện kiểm sát và tòa sơ thẩm lại thu hồi đất của doanh nghiệp thì vô hình trung bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thay vì lỗi làm sai của lãnh đạo Đà Nẵng? Điều đó rõ ràng quá vô lý và không công bằng”, ông Châu trình bày.

Bên cạnh đó, đại diện Công ty Đa Phước cho rằng số tiền “thiệt hại” hơn 11.200 tỉ được các cơ quan chức năng xác định, cần phải xem xét lại bởi đây là giá trị quyền sử dụng đất của toàn bộ khu đất 29 ha tại thời điểm định giá.

“Tuy nhiên, cơ quan định giá không xem xét rằng để có được khu đất 29 ha như hiện nay thì Daewon và Công ty Đa Phước phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng thiết kế, san lấp mặt bằng và xây dựng hệ thống kè chắn sóng. Công ty Đa Phước phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng xây dựng hạ tầng. Cái gọi là Khu đất 29 ha của Nhà nước lúc ban đầu chỉ là một vùng nước ô nhiễm với nền địa chất rất yếu và dòng chảy phức tạp”, ông cho biết.

Ông Châu dẫn chứng, tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng ông không được mời tham dự, không được nêu ý kiến bảo vệ quyền lợi của mình. Đại diện hai ngân hàng mà ông đang vay vốn, người dân mua sản phẩm của ông và các đối tác của Công ty Đa Phước cũng không được tham gia tố tụng.

“Đây là một vi phạm nghiêm trọng về tố tụng khiến tôi không có cơ hội được bảo vệ quyền và lợi ích của mình tại tòa sơ thẩm. Tôi cho rằng đây là một sai phạm không thể khắc phục, do đó cần phải hủy bỏ bản án sơ thẩm để xét xử lại”, ông Châu trình bày.

Nam Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ đầu tư Khu đô thị quốc tế Đa Phước đề nghị hủy án sơ thẩm