Hỏi: Con trai tôi cháu rất thích ăn trứng. Vì cháu không thích ăn cá nên tôi thường xuyên dùng trứng để chế biến, có tuần ăn 4-5 bữa với trứng. Nhưng gần đây tôi nghe bạn bè nói cho trẻ ăn trứng nhiều có thể gây hại cho gan. Xin hỏi bác sĩ điều đó có đúng không?
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu (tỷ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa nếu chế biến đúng).
Ngoài ra, trong lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: sắt, vitamin A, kẽm...
Cho trẻ ăn trứng như thế nào? Tuy trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu rối loạn tiêu hóa.
Tùy theo tháng tuổi mà cho ăn số lượng khác nhau: Trẻ 6-7 tháng tuổi: chỉ nên ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà/bữa, ăn 2-3 lần/tuần. Trẻ 8-12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3-4 bữa trong 1 tuần. Trẻ 1-2 tuổi: nên ăn 3-4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng. Trẻ từ 2 tuổi trở lên: nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.
Hỏi: Thưa bác sĩ, con tôi hiện nay được 12 tháng, tôi muốn cho bé ăn thêm váng sữa, phô mai tươi để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho bé nhưng không biết con tôi đã đủ tuổi ăn hay chưa.
Diệp An An Q.6, TP.HCM
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Với những bé trên một tuổi phụ huynh có thể bổ sung thêm các loại sản phẩm từ sữa khác như: sữa chua, váng sữa, phô mai tươi để giúp phong phú hơn thực đơn hàng ngày ngoài sữa và cháo cho bé. Bạn có thể cho bé ăn váng sữa, phô mai tươi vào những bữa ăn phụ trong ngày. Cách bữa ăn chính ít nhất là 2 giờ để tránh bé tiêu hóa không kịp thức ăn. Ngoài ra, để bổ sung thêm dưỡng chất bạn có thể cho bé ăn thêm các loại trái cây, rau củ, nước ép…
Hỏi: Lúc sinh, con tôi cân nặng 2,7kg. Giờ con tôi đã được 5 tuổi, nhưng trong lớp bé là tí hon, chiều cao và cân nặng đều thua chúng bạn. Xin bác sĩ cho biết thêm con tôi đã bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai, đến thời điểm này tôi bồi bổ chống còi xương cho bé có còn kịp không? Tôi có nên cho bé bổ sung thêm vi chất để cải thiện tình trạng thấp còi được không?
Nguyễn Saly, Quận Bình Thạnh
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Vì bạn chưa nói rõ cân nặng, chiều cao của con bạn hiện nay là bao nhiêu, nên chúng tôi không thể xác định được con bạn có bị suy dinh dưỡng hay không. Nhưng việc chống suy dinh dưỡng, thấp còi là việc các phụ huynh cần lưu ý quan tâm.
Nếu có thể bạn nên đưa con đến khoa dinh dưỡng tại các bệnh viện để để khám, tư vấn chính xác hơn. Khi đó bác sĩ sẽ quyết định con bạn có nên bổ sung thêm vi chất hay không. Liều lương như thế nào để phù hợp với cân nặng, sức khỏe của con bạn.
Bên cạnh đó, bạn nên cho bé ăn thêm nhiều bữa phụ, thức ăn cần đa dạng, mềm nhưng phải luôn đủ bốn nhóm thành phần thức ăn. Những món bé không thích ăn, bạn cần tập cho bé ăn từ từ, từng ít một.
Bạn cần cho bé ngồi ăn chung với gia đình để tạo sự vui vẻ và thích thú cho bé, bé sẽ ăn nhiều hơn và nhanh hơn. Bữa ăn của bé không nên kéo dài quá, lúc nào bé không muốn ăn nữa thì ngưng, tránh đè ép quá bé sẽ sợ ăn. Ngoài sữa, bạn cũng có thể cho bé ăn thêm sữa chua, váng sữa, bánh flan…
Hỏi: Con trai tôi được 23 tháng, nặng 10kg, cao 83cm, chiều cao, cân tăng rất chậm, nên bà cháu ở quê gửi lên thịt cóc để cháu bồi bổ những tôi lại không dám cho cháu ăn vì ti-vi, báo chí hay đăng những tin chết người do ăn thịt cóc. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên có nên con bé ăn thịt cóc?
Lan Anh, Củ Chi
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Theo dân gian thì thịt cóc rất bổ, nhiều đạm, có thể chữa được nhiều bệnh, nhất là chữa bệnh còi xương ở trẻ em và chỉ cần làm thật sạch và kỹ là có thể tránh được ngộ độc.
Thật ra, ngay cả khi làm thịt cóc thật sạch, đun nấu ở nhiệt độ cao thì cũng chưa chắc phân huỷ hết được chất độc bufotoxin có trong da, nội tạng và trứng cóc.
Không những thế, nhiều loại chất độc có trong nọc và da của cóc được xếp vào loại độc dược nhóm I (nhóm độc nhất).
Chất độc có trong cóc có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm như: gây hoang tưởng, rối loạn tâm thần, rối loạn nhân cách; rối loạn nhịp tim, huyết áp tụt, gây ngừng thở, nhanh chóng dẫn tới tử vong; đau bụng, tiêu chảy, gây tổn thương cơ quan nội tạng và suy thận...
Vì thế, dù thịt cóc có nhiều đạm, nhiều chất dinh dưỡng tới đâu đi nữa thì việc sử dụng thịt cóc làm thức ăn để chữa bệnh là không nên. Hiện nay, ngoài thịt cóc còn rất nhiều loại thực phẩm khác có chứa nhiều đạm mà bạn có thể cho bé ăn như: Tôm, cua, cá, lươn…
Hỏi: Con trai tôi được 2 tuổi, cân nặng 13kg, cao 80cm. Mỗi lần khám sức khỏe định kỳ bác sĩ thường cho thêm rất nhiều loại cốm vi sinh, thuốc bổ và ba cháu cũng mua thêm các loại thực phẩm chức ăn giúp tăng chiều cao để bé bổ sung thêm. Tôi nghe nhiều người nói thức ăn không đủ để cung cấp chất dinh dưỡng nên cần cho bé bổ sung thêm dưỡng chất từ các loại dược phẩm như vậy có đúng không, xin bác sĩ cho biết thêm ý kiến về vấn đề này.
Phan Tùng Sơn, Bạc Liêu
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Các bác sĩ dinh dưỡng chúng tôi vẫn quan niệm rằng nên bổ sung chất dinh dưỡng tự nhiên qua đường ăn uống từ các loại thực phẩm. Chỉ trừ những trường hợp các bé mắc phải một số bệnh lý hoặc với các bé quá kén ăn, hấp thu dưỡng chất kém. Khi này các bác sĩ mới cân nhắc đến việc dùng thêm các loại thuốc bổ, cốm vi sinh… Bạn cũng cần lưu ý, khi cho con dùng thuốc bổ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn, khám để biết con mình cần bổ sung chất dinh dưỡng nào. Việc này giúp bé hấp thu và chuyển hóa tốt hơn. Hiện nay, thị trường thuốc bổ rất đa dạng, bạn không nên sử dụng thuốc tùy tiện có thể là hại sức khỏe của con bạn. vì khi kê toa bác sĩ sẽ dựa vào cân nặng, sức khỏe, tuổi của em bé để có lựa chọn tốt nhất.
Hỏi: Tôi thấy chị kế bên nhà có đưa con đến trung tâm dinh dưỡng để khám suy dinh dưỡng, sau một thời gian, con chị ấy tăng cân rất tốt. Nên nhiều nhà trong xóm xin lại toa thuốc để mua thuốc cho con mình, trong đó có cả tôi nhưng không hiểu sao con tôi lại không tăng cân.
Haiyen693@yahoo....
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Như đã nói ở thư trước khi kê toa thuốc cho các bé, bác sĩ thường dựa vào chiều cao, cân nặng, thói quen ăn uống, tình trạng sức khỏe, xét nghiệm để biết rõ bé thiếu chất gì nhằm bổ sung đúng và đủ. Mỗi bé cơ địa sẽ khác nhau nên chuyện dùng thuốc có thể khác nhau. Bạn nên đưa con đến trung tâm dinh dưỡng hoặc đến khoa dinh dưỡng tại các bệnh viện để khám cho bé. Vì có thể tình trạng của con bạn không cần bổ sung thuốc mà chỉ cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng qua đường ăn uống vẫn có thể giúp bé phát triển tốt.
Hỏi: Nhiều người khuyên tôi nên hầm nước xương để nấu cháo, pha sữa cho em bé sẽ giúp tăng cân rất tốt. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?
Diệu Linh, Quận 8
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Trước đây, đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng trẻ em cho các bà mẹ ở khu chế xuất, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi như thế này?
Việc dùng xương để nấu nước dùng, nấu cháo cho trẻ ăn là không cần thiết lại khiến cho bạn tốn chi phí, mất nhiều thời gian mà chúng thật sự không mang lại chất dinh dưỡng cho con trẻ.Bạn chỉ cần cho bé một chế độ đầy đủ chất đạm, rau xanh.
Ví dụ như con bạn mới bắt đầu ăn dặm, bạn không cần chọn mua các loại bột ngoại đắt tiền. Ta chỉ cần dùng gạo xay thành bột, thêm hai muỗng dầu ăn, 20g thịt, cá, hoặc trứng, đậu phụ..Về phần rau xanh bạn có thể cho bé ăn cùng loại rau mà cha mẹ ăn trong ngày.
Nuôi con thông minh là bổ sung chất dinh dưỡng cho bé hợp với túi tiền của mình. Ít tiền không thể khiến con suy dinh dưỡng, con bạn chỉ suy dinh dưỡng khi bạn thiếu kiến thức chăm trẻ mà thôi.
MTG
Nếu có thắc mắc các vấn đề về sức khỏe, mời bạn gửi câu hỏi đến chuyên mục Tư vấn sức khỏe của báo Điện tử Một Thế Giới vào địa chỉ email: [email protected]. Thắc mắc của bạn sẽ được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa suy dinh dưỡng, nhi, tim mạch, ung bướu, mạch máu, thần kinh, tim mạch, nam khoa, sản phụ khoa, tâm lý... giải đáp.