Những thời điểm giao mùa, đặc biệt là trong tháng 11 và 12, trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mủ do nhiễm phế cầu khuẩn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng cho biết số ca nhập viện vì viêm màng não mủ có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, nếu như trước đây viêm màng não mủ thường xảy ra ở trẻ trên 5 tuổi, thì nay bệnh có xu hướng xảy ra ở trẻ nhỏ hơn và bệnh có diễn biến âm thầm, khó phát hiện. 

Cẩn thận với viêm màng não mủ ở trẻ

10/12/2014, 05:47

Những thời điểm giao mùa, đặc biệt là trong tháng 11 và 12, trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mủ do nhiễm phế cầu khuẩn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng cho biết số ca nhập viện vì viêm màng não mủ có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, nếu như trước đây viêm màng não mủ thường xảy ra ở trẻ trên 5 tuổi, thì nay bệnh có xu hướng xảy ra ở trẻ nhỏ hơn và bệnh có diễn biến âm thầm, khó phát hiện. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, phế cầu (Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn khiến trẻ em nhập viện nhiều nhất và gây các bệnh như viêm tai giữa có thể khiến các bé giảm thính lực, viêm phổi, viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Loại vi khuẩn này vốn thường trú trong hầu họng và khi có điều kiện như thời tiết thay đổi khiến sức đề kháng yếu thì gây bệnh. Viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ tử vong 10-20%, trẻ dưới 2 tuổi dễ có nguy cơ diễn tiến nặng.

Ngoài việc gây viêm phổi, vi khuẩn phế cầu còn có thể lên não để gây viêm màng não, tỷ lệ tử vong cao. Bác sĩ Khanh cũng cho biết, phế cầu khuẩn gây nên viêm màng não mủ rất khó phát hiện. Biểu hiện thường thấy là trẻ khóc đêm thường xuyên và bỏ bú kéo dài. Với bé lớn, biểu hiện của viêm màng não có thể là đau đầu và nôn ói. Một số trẻ lại có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm nên nhiều cha mẹ tưởng con bị viêm họng, viêm phổi… Biến chứng viêm màng não mủ để lại rất nặng nề. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, không ít trường hợp viêm màng não do phế cầu đã để lại di chứng sau điều trị như giảm thị lực, rối loạn vận động, tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến trẻ kém phát triển hoặc yếu liệt chi.

Loại bệnh thứ 3 không kém phần nguy hiểm là nhiễm trùng máu do phế cầu xâm nhập vào máu gây sốc nhiễm trùng. Bệnh nguy hiểm hơn với những trường hợp đã có sẵn những bệnh lý khác, với khoảng 20% bệnh nhi tử vong.

Cuối cùng, vi khuẩn phế cầu còn gây viêm tai giữa cấp với tần suất mắc rất cao ở trẻ nhỏ, khoảng 80% trẻ em dưới 3 tuổi mắc bệnh này. Theo bác sĩ Khanh, nhiều phụ huynh không phát hiện, để đến khi thấy con bị chảy mủ tai mới đưa đến bệnh viện. Khi ấy màng nhĩ đã bị tổn thương. Một số khác phát hiện bệnh, nhưng qua một thời gian thấy không sao, hóa ra bệnh tái phát sau nhiều năm. Lúc này dù điều trị thì thính lực của các em cũng đã bị ảnh hưởng.

Với bệnh viêm phổi, triệu chứng ban đầu thường là ho nhiều, sốt cao, khóc quấy, bỏ bú, trẻ có biểu hiện thở nhanh (40-50 lần trong một phút). Với nhiễm trùng máu, các bé sốt, đau đầu, đau nhức cơ kèm ho. Còn với viêm tai giữa, trẻ hay khóc bất thường, khó ngủ, dùng tay kéo hay gãi tai, ở bệnh này chỉ cần người lớn kiểm tra tai của bé sẽ phát hiện bệnh.

Vì vậy, để bảo vệ con trước phế cầu khuẩn và bệnh viêm màng não mủ, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm vaccine ngừa viêm màng não mủ (Hib) cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Vaccine phòng bệnh do Hib có thể được tiêm cùng lúc với các vaccine khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Trẻ em nên bắt đầu tiêm phòng bệnh Hib 3 mũi: Lúc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng. Sau đó nhắc lại mũi thứ tư lúc trẻ 18 - 24 tháng. Nếu trong thời gian trên trẻ chưa được chủng ngừa Hib, các bậc cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn vì thời gian chủng ngừa và số mũi tiêm có thể thay đổi theo từng lứa tuổi. Cần lưu ý là những trẻ đã tiêm ngừa viêm não Nhật Bản vẫn có khả năng mắc viêm màng não mủ.

Đồng thời, trong tiết trời lạnh, bên cạnh giữ ấm cho trẻ, bố mẹ cũng chú ý giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt và giữ vệ sinh cơ thể trẻ là một những cách có thể làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây nên.

Phi Uyển

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn thận với viêm màng não mủ ở trẻ