Trong cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống Mỹ lần này, tổng thống đương nhiệm đang có xu hướng đối đầu với các ứng cử viên nặng ký nhất về mặt chính sách.

Tổng thống Obama sẽ quyết đấu với các ứng cử viên kế nhiệm để bảo vệ thành quả

04/05/2016, 08:32

Trong cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống Mỹ lần này, tổng thống đương nhiệm đang có xu hướng đối đầu với các ứng cử viên nặng ký nhất về mặt chính sách.

Chưa bao giờ mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại tạo ra được sự chú ý lớn từ khắp thế giới như cuộc tranh cử đang diễn ra ở thời điểm hiện tại xét trên góc độ kinh tế. Cách đây 8 năm, cuộc tranh cử năm 2008 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bắt đầu rơi vào khủng hoảng và kết quả cuộc tranh cử giữa ông Barack Obama và ông John McCain sẽ quyết định cách thức đối phó với khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế số một thế giới. Nhưng cuộc tranh cử hiện tại thậm chí còn có thể đi xa hơn thế, khi các ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ đều đang cùng chung ý tưởng sẽ duyệt xét lại toàn bộ cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu theo một hướng mới, trong đó có thể sẽ hủy bỏ cơ chế kinh tế với tâm điểm là tự do thương mại, mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, các ứng cử viên đầy tham vọng này đang phải đối mặt với một lực cản không ngờ tới là Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Có lẽ hiếm khi nào mà cuộc tranh cử chiếc ghế tổng thống Mỹ lại diễn ra theo một chiều hướng kỳ lạ như ở thời điểm hiện tại. Không hẹn mà gặp, cả ba ứng cử viên nặng ký nhất cho chiếc ghế tổng thống Mỹ đều có xu hướng chống lại những gì vốn được xem là biểu tượng cho nước Mỹ - tự do thương mại. Cả bà Hillary Clinton cùng hai ông Bernie Sanders và Donald Trump đều hướng đến việc xem xét lại mục tiêu mà nước Mỹ đã theo đuổi trong nhiều năm qua, là vấn đề tự do thương mại. Trong đó luận điểm chủ yếu là việc nền kinh tế Mỹ đang phải gánh những hậu quả và tác động lớn từ việc thương mại toàn cầu đang ngày càng tự do hơn. Nếu điều này trở thành sự thực sau khi một trong ba ứng cử viên nặng ký trên trở thành tổng thống Mỹ, thì vấn đề sẽ không dừng lại ở việc nước Mỹ sẽ xem xét lại các hiệp định thương mại tự do mà mình đã ký kết, mà nó sẽ mang ý nghĩa đảo lộn hoàn toàn cách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang vận hành với xương sống là các hiệp định thương mại lớn và nhỏ.

Điểm đặc biệt lớn thứ hai của cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống Mỹ năm nay là vị tổng thống đương nhiệm đang có xu hướng đối đầu với các ứng cử viên nặng ký nhất về mặt chính sách. Không những đối đầu mà thậm chí còn là một mất một còn nữa. Vì trong khi các ứng cử viên nặng ký nhất đều đang chia sẻ quan điểm chống tự do thương mại, thì Tổng thống Barack Obama lại đang cương quyết bảo vệ những hiệp định thương mại quan trọng được xem như di sản chính trị lớn lao nhất trong hai nhiệm kỳ của mình, mà TPP là một ví dụ điển hình. Điều này trái với một truyền thống quan trọng trong chính trường Mỹ, theo đó các tổng thống sắp hết nhiệm kỳ đều có xu hướng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về mặt chính sách cho người kế nhiệm thay vì cố gắng làm mọi chuyện theo ý mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Obama đang một mình chống lại làn sóng dân túy đang trỗi dậy trên khắp nước Mỹ về phương diện kinh tế.

Bài xã luận mới nhất mà ông Obama cho đăng trên tờ Washington Post vào thứ Hai (2.5) vừa qua là nỗ lực mới nhất của vị tổng thống da màu trong việc thuyết phục nước Mỹ về những lợi ích mà thương mại tự do đem lại cũng như những hậu quả mà xu hướng chống thương mại tự do có thể gây ra cho nền kinh tế Mỹ. Ông Obama tuyên bố trong bài xã luận rằng ông hiểu rõ sự hoài nghi của người dân Mỹ về các mặt trái của thương mại tự do, nhưng “những hậu quả của việc dựng nên bức tường tự cô lập mình với nền kinh tế toàn cầu sẽ là vô cùng nghiêm trọng”.

Luận điểm chủ đạo và quan trọng nhất của Tổng thống Obama bày tỏ trong bài xã luận mới nhất của mình là nếu nước Mỹ chống lại xu thế thương mại tự do và thu mình trong chiếc vỏ ốc của chủ nghĩa biệt lập, thì Mỹ sẽ đánh mất những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất của mình trên khắp thế giới vào tay những đối thủ sừng sỏ, chẳng hạn như Trung Quốc. Vì thương mại tự do đang trở thành xu thế toàn cầu, và nếu Mỹ đơn phương một mình một đường thì chỉ nước Mỹ sẽ phải chịu thiệt thòi mà thôi. Điều này không khác gì dâng những mối lợi giá trị nhất của mình cho đối thủ.

Tổng thống Obama cảnh báo trong bài xã luận về những hậu quả nghiêm trọng nếu như Mỹ chậm thông qua TPP chứ đừng nói đến việc không thông qua hiệp định thương mại quan trọng này, khi mà “Trung Quốc cũng đang đàm phán một thỏa thuận thương mại quan trọng với những nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nếu điều đó xảy ra thì cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ dành cho các doanh nghiệp, hàng hóa và người lao động Mỹ sẽ tăng lên rất nhiều”. Có lẽ ông Obama muốn nói đến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đang cố gắng ký kết với 10 nước ASEAN và 5 nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Về lý thuyết, RCEP mới chỉ là bước đi đầu tiên trong một chiến lược thành lập một khu vực thương mại Đông Á có quy mô tương đương với TPP, chỉ khác là trong khu vực thương mại đó Trung Quốc giữ vai trò quan trọng nhất.

Cụ thể, RCEP chỉ là bước đi đầu tiên để hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). So về quy mô, thì RCEP bao gồm một khu vực có dân số hơn 3 tỉ người, tổng GDP khoảng 17.000 tỉ USD và chiếm khoảng 40% tổng giá trị giao dịch thương mại toàn cầu. Nghĩa là có quy mô lớn hơn cả TPP. Tuy nhiên, điều khiến Tổng thống Obama lo ngại nhất là việc RCEP có thể đi vào hoạt động sớm hơn TPP và sẽ thiết lập ra những luật chơi chung mà phần lớn là có lợi cho Trung Quốc. Nói cách khác, nếu Mỹ không sớm thông qua TPP, thì Mỹ sẽ mất đi những mối lợi thương mại quan trọng nhất của mình tại khu vực châu Á Thái Bình Dương vào tay Trung Quốc. Và những người chịu thiệt hại lớn nhất không ai khác ngoài chính các công ty và người dân Mỹ. Những thiệt hại này thì còn lớn hơn rất nhiều so với những thiệt hại có phần nhỏ nhoi mà những mặt trái của thương mại tự do đem lại cho nền kinh tế Mỹ.

Có thể thấy, Tổng thống Obama đang chơi đòn “gậy ông đập lưng ông” với chính các ứng cử viên kế nhiệm nặng ký nhất của mình. Cả bà Hillary Clinton, ông Bernie Sander và đặc biệt là ông Donald Trump đều đang hướng đến việc sử dụng làn sóng dân túy để tranh thủ sự ủng hộ cho mình, nhất là trong việc nhấn mạnh vào những thiệt hại mà thương mại tự do với Trung Quốc đem lại cho nền kinh tế Mỹ. Người dân Mỹ càng tức giận về việc Trung Quốc cướp đi việc làm và thu nhập của mình thì sự ủng hộ dành cho những ứng cử viên như ông Donald Trump càng tăng.

Nhưng Tổng thống Obama thì lại đang cố gắng chỉ ra rằng, việc chống lại thương mại tự do với thế giới sẽ càng khiến cho những thiệt hại mà Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế Mỹ lớn hơn nhiều. Thông điệp chủ chốt của ông Obama là nếu như người dân Mỹ cảm thấy tức giận vì những lợi ích kinh tế đã bị Trung Quốc đoạt mất thông qua tự do thương mại, thì điều họ cần làm là phải giành lại những lợi ích còn lớn hơn nhiều lần bằng cách nhanh chóng thông qua TPP. Vì nếu chậm trễ hoặc không thông qua TPP, thì những thứ mà Trung Quốc có thể tước đi từ tay Mỹ sẽ còn lớn hơn nhiều lần.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Obama sẽ quyết đấu với các ứng cử viên kế nhiệm để bảo vệ thành quả