Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ; và thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Chính phủ yêu cầu luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong công vụ

Hoài Lam | 09/05/2023, 06:00

Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ; và thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2023.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh công việc

Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

“Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung”, nghị quyết nêu.

can-bo.jpg
Luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ

Đồng thời, nghị quyết cũng yêu cầu theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước và những tác động đến nước ta, nhất là sự thay đổi chính sách của các nước, đối tác lớn, sự dịch chuyển và các xu hướng toàn cầu để chủ động, tích cực xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, các vấn đề tồn đọng, kéo dài của bộ, cơ quan, địa phương để tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm, hiệu quả.

“Triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp về tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định liên quan về phòng cháy chữa cháy và các quy định khác đang là rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”, nghị quyết nhấn mạnh.

Chính phủ yêu cầu những nơi chưa thành lập thì thành lập ngay và chủ động, tích cực triển khai hoạt động của tổ công tác đặc biệt do chủ tịch UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ tại điểm b khoản 1 mục I Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8.4.2023, bảo đảm hiệu quả, kịp thời, thực chất.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian không cần thiết; bãi bỏ theo thẩm quyền các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trái quy định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; đẩy nhanh tiến độ triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong các lĩnh vực…

Nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất

Trong nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trình Chính phủ trước ngày 25.5.2023 để xem xét, ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới; tập trung rà soát, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong điều kiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương quản lý chặt chẽ các nguồn thu của ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập trong việc chậm trễ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững.

lai-suat.jpeg
Nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiệm vụ chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước, tiếp tục nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cân bằng hợp lý, linh hoạt, hiệu quả với lạm phát; kịp thời thúc đẩy mở rộng tín dụng phù hợp với xu hướng lạm phát giảm và yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

“Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”, nghị quyết nêu.

Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ yêu cầu luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong công vụ