Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch...

Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị dành tiền chống dịch

Lam Thanh | 08/06/2021, 19:40

Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch...

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2021, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Áp dụng chế độ cho người tình nguyện chống dịch

Chính phủ thống nhất đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

Áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19 với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, như sau:

Về chế độ bồi dưỡng chống dịch: Được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8.2.2021; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.

Về chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện: Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP).

Về số ngày hưởng: Tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Thời điểm áp dụng từ ngày 1.1.2021.

Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vắc xin, góp phần sớm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Chính phủ cũng yêu cầu ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID -19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa.

Chính phủ cũng thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 103/TTr-BTC ngày 2.6.2021 về cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao).

Bên cạnh đó, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30.6.2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục vụ chiến lược vắc xin..

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu; bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bộ Ngoại giao đẩy mạnh vận động các nước và đối tác hỗ trợ tiếp cận nguồn vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin tại Việt Nam. Làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân, bảo vệ tài sản và lợi ích kinh tế tại nước ngoài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị dành tiền chống dịch