Chính phủ cần sớm ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành du lịch để có điều kiện hoạt động tốt nhất, sản phẩm du lịch đến người dân với giá thành phù hợp.

Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch

Lam Thanh | 13/06/2021, 16:43

Chính phủ cần sớm ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành du lịch để có điều kiện hoạt động tốt nhất, sản phẩm du lịch đến người dân với giá thành phù hợp.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu du lịch lữ hành, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.

du-lich.jpg
Cần có chính sách hỗ trợ ngành du lịch

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT, ước tính doanh thu du lịch lữ hành tháng 5.2021 đạt 387 tỉ đồng, giảm 53,5% so với tháng trước và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,3 nghìn tỉ đồng, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch của Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế cũng như du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng so với trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5.2021 ước tính đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế ước tính đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 50,5 nghìn lượt người, giảm 98,3%; bằng đường bộ đạt 30,3 nghìn lượt người, giảm 94,5%; bằng đường biển đạt 193 lượt người, giảm 99,9%.

Trong 5 tháng đầu năm nay, khách đến từ châu Á đạt 71,6 nghìn lượt người, chiếm 88,4% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 97,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khách đến từ các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt gần 34,1 nghìn lượt người, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 16,9 nghìn lượt người, giảm 97,9%; Đài Loan 6,2 nghìn lượt người, giảm 96,8%; Lào 4,3 nghìn lượt người, giảm 88,5%; Nhật Bản đạt gần 4,2 nghìn lượt người, giảm 97,9%.

Khách đến từ châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 6,1 nghìn lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Mỹ đạt gần 2,2 nghìn lượt người, giảm 99,1%; khách đến từ châu Úc đạt 590 lượt người, giảm 99,4%; khách đến từ châu Phi đạt 590 lượt người, giảm 95,1%.

Tổng cục Thống kê cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chính sách kích cầu du lịch của nước ta phải tạm dừng để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Từ cuối tháng 4, dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa đã ảnh hưởng tới doanh thu du lịch lữ hành.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 85,6%; Quảng Nam giảm 68,4%; Thừa Thiên – Huế giảm 48,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 46,7%; Bắc Ninh giảm 38,1%; Bình Định giảm 33%; Hà Nội giảm 29,7%; Quảng Ninh giảm 16,6%; Hải Phòng giảm 14,3%; Cần Thơ giảm 13,6%.

Cơ quan này cho rằng du lịch có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế quốc gia, vì thế đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đối với Việt Nam, ngành du lịch hiện nay được xem như là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Để hoạt động du lịch được phục hồi hiệu quả sau dịch COVID-19 và thích ứng với trạng thái bình thường mới, Tổng cục Thống kê cho rằng ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng một mô hình phát triển bền vững hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp du lịch cần chủ động sẵn sàng thích ứng, có cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả, giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát, hạn chế tác động ảnh hưởng và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn.

Cùng với đó, các doanh nghiệp trong ngành du lịch tại cần liên doanh, liên kết, phối hợp với nhau để cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm dịch vụ mang tính bổ trợ trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành du lịch để có điều kiện hoạt động tốt nhất, sản phẩm du lịch được quảng bá rộng rãi đến người dân với giá thành phù hợp, ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30% – 50%, trợ giá cho du khách để ngành du lịch sớm phục hồi sau đại dịch.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi văn bản tới Bộ KH-ĐT đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành du lịch trong thời gian tới.

Trong đó, đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào doanh nghiệp, hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất.

UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương giao cho các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3 - 5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay không thế chấp.

Khoảng thời gian vay từ 3-5 năm được tính toán dựa vào ước lượng thời gian ngành du lịch phục hồi, người lao động lại có việc làm và có thu nhập để hoàn trả khoản vay.

Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất UBND thành phố xem xét trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TP.HCM hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch.

Chương trình này sẽ không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ, với mục đích để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện thành phố có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với lãi suất 0%, mức hỗ trợ 50% lương tối thiểu vùng trong 3 tháng, thì quy mô khoản vay để trả lương cho người lao động lên đến 208 tỉ đồng...

Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch như giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp..., qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch