Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung, việc giải cứu heo nói riêng và giải cứu các sản phẩm nông nghiệp nếu chỉ riêng ngành nông nghiệp TP.HCM làm thì không xuể. Bởi lẽ, nếu giải cứu xong cho TP.HCM thì sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh khác cũng tràn về.
Sáng 6.7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX đã bước vào ngày làm việc thứ ba với phiên chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Phước Trung.
Theo đó, phiên chất vấn này xoay quanh việc thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo chất lượng nông sản, tăng giá trị gia tăng cho nông sản bằng chuyển giao công nghệ…
Kiên quyết không cấp phép cho lò mổ thủ công
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đặt câu hỏi vì sao Công ty cổ phần Thực phẩm Hóc Môn xin phép chuyển đổi thành doanh nghiệp, hoạt động giết mổ gia súc nhưng Sở trả lời không có thẩm quyền cấp phép cho công ty này?
Ông Trung trả lời công ty này có giấy phép xây dựng lò mổ, nhưng trong quá trình triển khai họ đề nghị giết mổ thủ công chứ không phải bán công nghiệp.
“Thành phố đã đi gần đến đích thực phẩm an toàn thông qua quy trình giết mổ công nghiệp, thế nhưng Công ty cổ phần thực phẩm Hóc Môn lại chậm triển khai dây chuyền giết mổ công nghiệp, trong khi đến cuối 2017 TP triển khai rồi”, ông Trung cho biết.
Giám đốc Sở NN-PTNT cũng nói rằng ông rất tâm tư khi công ty này nhiều lần gửi kiến nghị lên thì các chủ đầu tư khác đang xây dựng dây chuyền giết mổ công nghiệp không đồng tình. Họ nói nếu Sở đồng ý cho công ty Hóc Môn làm thủ công thì họ sẽ dừng dự án giết mổ công nghiệp.
“Không thể vì một công ty mà thành phốkhông thực hiện được quy hoạch giết mổ công nghiệp, nên Sở kiên quyết đề nghị công ty này tập trung xây dựng lò mổ công nghiệp”, ông Trung nói thêm.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt câu hỏi rằng, thời gian gần đây rộ lên chuyện giải cứu thịt heo, giải cứu chuối và thành phố đã rút ra bài học gì để không vấp phải vấn đề giải cứu này trong tương lai?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Trung nhận định năng suất heo của TP.HCM đã tăng gấp đôi, thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc giải cứu heo nói riêng và giải cứu các sản phẩm nông nghiệp nếu chỉ riêng ngành nông nghiệp thành phố làm thì không xuể. Bởi lẽ, nếu giải cứu xong cho TP.HCM thì sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh khác cũng tràn về.
"Số lượng heo vừa rồi, cả nước tăng rất cao, từ 27,5 triệu lên 30 triệu con. TP.HCM cũng có tăng nhưng đàn heo thịt không tăng nhiều. Chúng tôi hướng dẫn cho bà con phát triển đàn heo nái. Tỷ lệ đàn heo nái của cả nước là 15,1%, trong khi của thành phố là 17,76%. Nghĩa là chúng ta đang đi theo hướng cung cấp giống vật nuôi cho người dân thành phố và các tỉnh”, ông Trung thông tin.
Theo ông Trung, trong những năm vừa qua, thành phố có nhiều hội nghị kết nối hệ thống tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp... được tổ chức.
Từ đó, thành phố đã ký kết được 48 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hàng tỉ đồng. Ông Trung cũng cho biết thành phố đang làm việc với các quận huyện để mở rộng điểm bán lẻ thịt heo.
Ngoài ra, ôngkhẳng định thành phố đang làm việc với một công ty của Hà Lan nhằm công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành của thịt heo và kiểm soát được chất lượng trong thức ăn cho chăn nuôi.
Nông nghiệpđạt nhiều kết quả khả quan
Trong phiên chất vấn này, đại biểu Trần Quang Thắng đặt vấn đề với Giám đốc Sở NN-PTNT đã có ý tưởng gì để kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sông nước? Xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh, tự động hóa được áp dụng thí điểm tại khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố thế nào?
Trả lời, ông Nguyễn Phước Trung khẳng định kết quả về nông nghiệp tại thành phố đạt được những năm gần đây là rất khả quan.
Cụ thể, đến năm 2016 giá trị sản xuất nông nghiệp trên mỗi ha đạt 410 triệu đồng, vượt xa số kỳ vọng theo kế hoạch ban đầu là 300 triệu đồng/ha (tăng 2,7 lần so với năm 2010). Thành phốđã cố gắng phát triển nông nghiệp không ảnh hưởng đến môi trường, nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ lãi suất cho đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt, cơ giới hóa…
“Thế mạnh của nông nghiệp TP.HCM là ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ, rau bình quân 250 tấn/ha/năm x 6.000 đồng/kg, một năm 1ha rau cho 1,5 tỉ đồng. Đấy mới chỉ là đầu tư vừa phải. Chứ đầu tư cao, như nông nghiệp thủy canh thì phải đạt 5 tỉ đồng/năm, lợi nhuận có thể đạt 2 tỉ đồng/ha năm.
Hay với việc áp dụng công nghệ của Israel, vừa qua, hàng trăm bò sữa ở TP.HCM cho 24,5 kg sữa/con/ngày, bằng với năng suất một số Công ty Sữa áp dụng công nghệ cao như Vinamilk, TH milk. Đặc biệt là TP.HCM sử dụng bò nội địa chứ không phải bò ngoại như một số công ty khác. Nếu áp dụng công nghệ này cho TP.HCM sẽ tăng giá trị sữa bò của thành phốlên trung bình khoảng 500 tỉ đồng/năm”, ông Trung thông tin thêm.
Dự kiến, trong chiều nay, HĐND TP.HCM sẽ thông qua một số tờ trình quan trọng và bế mạc.
Phan Diệu