Chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy thách thức Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp các nước.

Chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước vẫn gia tăng

Hoài Lam | 26/06/2021, 18:16

Chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy thách thức Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp các nước.

Tại ấn phẩm “Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016-2020” mới công bố, Tổng cục Thống kê cho biết kinh tế giai đoạn này tăng trưởng khá, từng bước chuyển dịch sang chiều sâu, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, lạm phát được kiểm soát, đặc biệt năm 2020 nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

nsld.jpg
Chênh lệch mức năng suất lao động gia tăng

Cụ thể, theo giá hiện hành, GDP năm 2016 đạt 205,3 tỉ USD, ước tính năm 2020 đạt 271,2 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng dân số nên GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 2.097 USD/người năm 2015 lên 2.202 USD/người năm 2016 (tăng 105 USD so với năm trước); ước tính năm 2020 đạt 2.779 USD/người, gấp 1,33 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2015.

Tính theo sức mua tương đương năm 2017, GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 8.041 USD/người, gấp 1,4 lần năm 2015.

Báo cáo cũng nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn này đạt bình quân 45,72%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 32,84% của giai đoạn 2011-2015.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 16,32% năm 2016 xuống 15,34% năm 2017, năm 2019 còn 13,96% và ước tính năm 2020 là 14,85%...

Tuy nhiên, hạn chế được chỉ ra là mô hình tăng trưởng kinh tế thay đổi chưa rõ nét, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa được như kỳ vọng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; Tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 xấp xỉ 6% không đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra là tăng 6,5-7%/năm.

Nền tảng kinh tế vĩ mô, khả năng chống chịu của nền kinh tế có thời điểm chưa thực sự vững chắc. Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhưng mức năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tuy có tăng qua các năm nhưng vẫn không đạt so với mục tiêu 3.200-3.500 USD đặt ra vào năm 2020. Hiện nay Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Năm 2019, GDP bình quân đầu người xếp thứ 120/187 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1993; Thái Lan năm 2003; Indonesia năm 2010; Trung Quốc năm 2009 và Hàn Quốc thập niên 90 của thế kỷ trước.

Cơ cấu kinh tế tuy có thay đổi theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ “mũi nhọn” như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp. So với các nước trong khu vực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP của Việt Nam vẫn còn cao.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng còn chiếm tỷ trọng thấp.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Tính đến năm 2020, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động, chỉ đạt 24,1%, tăng 3,2 điểm phần trăm so với năm 2016.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là một trong những thách thức mà nước ta phải đối mặt trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4. So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia.

Chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất so với nhóm có thu nhập thấp nhất ngày càng tăng. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.

Cũng theo báo cáo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn.

Thiếu cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ.

Báo cáo cũng chỉ ra, năng lực và nguồn lực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông.

Khái quát lại, báo cáo cho hay, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta 5 năm 2016-2020 diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối cao.

Bài liên quan
Năng suất lao động Việt Nam tăng 3 lần sau 20 năm nhưng chỉ bằng 1/3 Thái Lan
Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước vẫn gia tăng