Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm.

Năng suất lao động Việt Nam tăng 3 lần sau 20 năm nhưng chỉ bằng 1/3 Thái Lan

tuyetnhung | 10/12/2016, 06:02

Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm.

Năng suất lao động cải thiện mạnh

Báo cáo tại Hội nghị "Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công Thương" diễn ra ngày 9.12, lãnh đạo ngành Công Thương cho biết hiện năng suất lao động của Việt Nam đang có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm. Điều này chứng tỏ những cố gắng của Việt Nam trong việc giảm dần khoảng cách năng suất so với các nước phát triển khác.

Đặc biệt, sau giai đoạn I của Chương trình 712 (2011- 2015), đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt với 65% tiêu chuẩn Việt Nam được công bố phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; hàng nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; áp dụng các hệ thống quản lý ISO; áp dụng các cải tiến năng suất; 53 địa phương xây dựng, triển khai dự án năng suất chất lượng…

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương), kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện cho thấy, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm: năng lượng, thép, hóa chất (dao động từ 450 triệu đến trên 1 tỉ đồng/ người/ năm). Nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày.

Tuy nhiên, năng suất cao ở các nhóm ngành trên chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ nét ở chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng và mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong các ngành giai đoạn 2011-2015 luôn duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho biết với 96% các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nhiều mặt, đặc biệt là trình độ công nghệ với trên 80% được đánh giá ở mức trung bình và thấp, khả năng hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo hạn chế được xem là “vùng trũng nhất”, kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với thế giới.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ, yếu điểm của Việt Nam hiện vẫn nằm ở tư duy, kinh doanh theo kiểu nông nghiệp, manh mún, nhỏ lẻ, biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của doanh nghiệp trên thế giới.

Do đó, dù đã có những bước tiến rõ rệt nhưng thực trạng năng suất ở Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực khi Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam.

Ngành năng lượng dẫn đầu về tăng năng suất

Theo báo cáo chi tiết của Viện năng suất Việt Nam, trong 8 ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước bao gồm: dệt may; da giầy; nhựa; thép; hóa chất; cơ khí chế tạo; năng lượng; điện; điện tử, tin học thì ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất với trên 350.000tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 6,4%/ năm. Đây cũng chính là ngành có năng suất lao động cao, năm 2015, đạt khoảng 1 tỉ đồng/ người lao động.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cho rằng, có 3 yếu tố đóng góp vào tăng giá trị gia tăng hiện nay gồm: tăng vốn; tăng lao động; tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Các ngành có đóng góp vào tăng TFP là điện, điện tử-tin học đạt 40%, ngành cơ khí chế tạo đạt 37% và ngành da giày là 35%.

Ông Tuấn cho biết Việt Nam hiện được đánh giá cao nhờ sự ổn định về chính trị và xã hội, có sức hấp dẫn đối với thương nhân và đầu tư nước ngoài, qua đó tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn, thiết bị, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, lao động có kỹ năng chuyên môn cao từ những nước phát triển.

Tuy nhiên, trước những khó khăn về sự tụt hậu công nghệ so với các nước, quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư ít, việc hợp tác còn yếu và thiếu, lực lượng lao động đông nhưng chất lượng không cao, theo đó giải pháp chung được Viện năng suất Việt Nam đưa ra đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp của Việt Nam đó là cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô; khuyến khích phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường; ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, hiện đại.

Đối với ngành điện, điện tử-tin học, cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành, hình thành các cụm công nghiệp điện tử-tin học.

Đối với ngành cơ khí chế tạo, cần xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí

Đối với ngành dệt may, da giày, hỗ trợ xúc tiến thị trường bằng nhưng ưu đãi vay vốn phát triển xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm hiểu thông tin về quy định của các nước nhập khẩu.. Phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may, da giày để đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành dựa trên các thế mạnh của tỉnh/vùng.

Đối với ngành nhựa, khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị và phát triển công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nguyên liệu ngành.

Đối với ngành hóa chất, có chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ. Có các giải pháp về thị trường. Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ và bảo vệ môi trường.

Đối với ngành thép, quy hoạch lại phát triển ngành thép, không khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp ngành thép. Nâng cao cải tiến công nghệ, dần dần loại bỏ công nghệ lạc hậu. Thiết lập chính sách phát triển bền vững cho ngành.

Đối với ngành năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành công nghiệp năng lượng. Tái cơ cấu và cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty thuộc ngành năng lượng. Trong đó, khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ được coi là giải pháp tối ưu cho ngành.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năng suất lao động Việt Nam tăng 3 lần sau 20 năm nhưng chỉ bằng 1/3 Thái Lan