Uỷ ban Kinh tế tán thành việc chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình (2022-2023).

Chấp nhận thâm hụt ngân sách mỗi năm tăng thêm 1-1,2%

Lam Thanh | 04/01/2022, 12:02

Uỷ ban Kinh tế tán thành việc chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình (2022-2023).

Ngày 4.1.2022, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cần đánh gia tác động của các chính sách

Thẩm tra tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị xác định rõ và bổ sung quan điểm: việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi NSNN để chi đầu tư phát triển; nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai chương trình (2022-2023).

Ông Thanh cho hay, một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của chương trình. Do đó, cần bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.

vht2.jpg
Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa 15

Về tăng bội chi ngân sách nhà nước, UBKT tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình (2022-2023).

Về chính sách thuế, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí. Trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với chính sách cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19, đa số ý kiến cho rằng vấn đề huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng, việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro. Do đó, đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số ý kiến tán thành với đề xuất nhưng đề nghị giới hạn đối với khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền.

Ngoài ra, ông Thanh cũng đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022-2023 và chi phí lao động năm 2022); tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Lượng hóa các giải pháp chính sách tiền tệ

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, UBKT thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Đa số ý kiến nhất trí việc sử dụng số tiền từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề nghị cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Cho ý kiến về chính sách hỗ trợ lãi suất, đa số ý kiến nhất trí, tuy nhiên cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…; quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Đối với chính sách tiền tệ, UBKT đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế.

vht.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Về huy động nguồn lực, UBKT đề nghị báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể, khả năng hấp thụ vốn. Đồng thời, cần nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề như tính khả thi của nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách để huy động ngay trong 02 năm 2022-2023; Phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ chỉ thực hiện trong trường hợp cấp bách và phải báo cáo cấp có thẩm quyền;…

Đối với lao động, việc làm và an sinh, xã hội, UBKT đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; bổ sung chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công tại các địa phương;…

Cũng theo UBKT, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có trọng tâm, cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023; sớm tổng kết các quy định pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 để sửa đổi, bổ sung kịp thời; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân,…

Chính phủ cam kết, làm rõ trách nhiệm

Về danh mục các dự án đầu tư công, UBKT đề nghị rà soát, đưa ra khỏi chương trình những dự án chưa phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra; bổ sung, thuyết minh chi tiết các dự án được lựa chọn theo các nguyên tắc, tiêu chí của chương trình để làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết thêm, về đề nghị áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền trên cơ sở quy định hiện hành. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định…

Ngoài ra, UBKT nhấn mạnh việc Chính phủ và các bộ, ngành cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấp nhận thâm hụt ngân sách mỗi năm tăng thêm 1-1,2%