Việt Nam đang rơi vào tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" và sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hiện nay.

Nhân lực lao động Việt Nam bị “thừa thầy thiếu thợ” trầm trọng

Hoài Lam | 31/12/2021, 14:41

Việt Nam đang rơi vào tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" và sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hiện nay.

Thiếu trầm trọng thợ chuyên môn kỹ thuật cao

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), trong giai đoạn 2011-2020, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải thiện tương đối tốt.

Tỷ lệ người lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo liên tục tăng lên qua các năm, từ 15,4% vào năm 2011 đã tăng lên 22,8% vào năm 2019. Nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, tốc độ tăng lao động chất lượng cao tương đối nhanh.

Tuy nhiên, quy mô nguồn lao động chất lượng cao vẫn còn nhỏ bé so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Năm 2019, trong tổng số 55,77 triệu người trong lực lượng lao động của cả nước, chỉ có khoảng 12,7 triệu lao động chất lượng cao, chiếm 22,8% lực lượng lao động. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, tỷ lệ này của họ đã đạt trên 50%.

Ngoài ra, phân bố nguồn lao động chất lượng cao còn có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Trong các ngành thì ngành y tế và giáo dục - đào tạo có tỷ lệ lao động chất lượng cao lớn nhất (chiếm lần lượt 91,2% và 92,2% lao động của ngành trong năm 2019). Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì lao động chất lượng cao chỉ mới chiếm 17,8% lao động của ngành và tỷ lệ này lại có xu hướng giảm.

Theo NCIF, có sự bất hợp lý trong cơ cấu trình độ của lực lượng lao động. Lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên chiếm quá nửa số lao động chất lượng cao (63,1%), và riêng đại học trở lên là 46,5%, trong khi trình độ trung cấp nghề chỉ khoảng 20,6%.

Có thể nói, Việt Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp. Hay nói cách khác, đang thừa một lượng lớn lao động trình độ cao (từ đại học trở lên). Điều này phản ánh mức độ trầm trọng của thực trạng "thừa thầy thiếu thợ "và sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hiện nay.

san-xuat.jpg
Lực lượng lao động Việt Nam rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trầm trọng

Đồng bằng sông Hồng là vùng dẫn đầu cả nước về tỷ lệ lao động chất lượng cao. Đáng lưu ý là đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng lại được đánh giá là "vùng trũng giáo dục” của cả nước, đặc biệt là về lao động chất lượng cao.

Giải pháp phát triển nguồn lao động chất lượng cao

Để phát triển nguồn lao động chất lượng cao, trong thời gian tới, NCIF cho rằng Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng.

“Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. Đặc biệt, các trường cao đẳng, đại học phải làm tốt công tác tuyển chọn, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ nhận thức của người học, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của xã hội, của quá trình hội nhập, mở cửa, phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay”, NCIF nêu.

Ngoài ra, cần chú trọng đến việc thực hành các thao tác, các bước của hoạt động lắp ráp, sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ; sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật, nhất là máy móc hiện đại, điều khiển từ xa, tự động hóa. Tiến hành rà soát lại chương trình đào tạo ở các trường; tăng cường thời gian học thực hành, giảm thời gian học lý thuyết; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các trường, các chuyên ngành đào tạo với nhau, nhất là với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, đầu tư, công ty…

NCIF cũng cho rằng cần có cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không thu hút, lôi cuốn được nguồn nhân lực chất lượng cao, đất nước kém phát triển và ngược lại.

Theo đó, cơ chế, chính sách đó là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng lĩnh vực, ngành nghề ở các vùng miền và sự đóng góp đó cho sự phát triển ở mỗi đơn vị, doanh nghiệp không phải có sẵn theo một khung nhất định.

Trên cơ sở nền tảng những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chính sách tiền lương, trọng dụng nhân tài, mỗi đơn vị, địa phương, doanh nghiệp căn cứ vào tình hình cụ thể của mình để hỗ trợ điều kiện vật chất, hoặc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường công tác cho nguồn nhân lực chất lượng cao được phát huy thế mạnh, sở trường...

Song song với đó, Nhà nước cần phân cấp, giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan quản lý nguồn lao động chất lượng cao một cách hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Cụ thể là xây dựng, ban hành các quy định, yêu cầu nguồn lao động chất lượng cao khi đào tạo xong phải làm việc ở trong nước, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường; yêu cầu lao động chất lượng cao phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Cũng theo NCIF, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa môi trường làm việc với thực tiễn nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, tác động của bối cảnh thế giới, khu vực và đặc biệt là đại dịch COVID-19 gần đây đã làm cho một số ngành, lĩnh vực, nhất là người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình đó, ảnh hưởng phần nào đến nguồn lao động chất lượng cao. Do đó, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa môi trường làm việc với điều kiện tế của mỗi ngành, lĩnh vực.

“Nguồn nhân lực chất lượng cao thường có biểu hiện tự cao, ít lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác. Do đó, trong quá trình làm việc, giải quyết các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với mọi người xung quanh phải hài hòa, hợp lý, không đặt cái tôi cá nhân lên quá cao”, NCIF nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân lực lao động Việt Nam bị “thừa thầy thiếu thợ” trầm trọng