Việc “nhỏ như cái móng tay” bị biến thành cực kỳ nghiêm trọng bởi nó quyết định số phận một con người lương thiện, thậm chí nhiều người liên quan, theo hướng xấu. Sẽ theo quy trình như vậy nếu không có sự ngăn chặn kịp thời.

Chặn kịp án oan

26/04/2016, 15:21

Việc “nhỏ như cái móng tay” bị biến thành cực kỳ nghiêm trọng bởi nó quyết định số phận một con người lương thiện, thậm chí nhiều người liên quan, theo hướng xấu. Sẽ theo quy trình như vậy nếu không có sự ngăn chặn kịp thời.

Những dư luận ồn ào xung quanh chuyện cơ quan công quyền, cụ thể là công an và viện kiểm sát ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) kiểm tra, xử phạt, khởi tố ông chủ quán cà phê Xin Chào rồi cũng dần lắng xuống. Nhưng ai dám đoan chắc rằng sau vụ này sẽ không còn những vụ mới tương tự. Những người có liên quan như ông Lê Thanh Tòng, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND huyện; đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện… đều đã sớm bị kiểm điểm, ngưng chức, chờ hình thức kỷ luật. Nhìn chung dư luận đồng tình với sự xử lý nhanh chóng, nghiêm túc, nghiêm minh của các cấp lãnh đạo, của các ngành liên quan.

Cũng có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về phát ngôn của thiếu tướng, Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh khi ông cho rằng vụ việc này “nhỏ như cái móng tay”. Nhưng tôi nhìn nhận ra khía cạnh tích cực của sự so sánh này. Một việc đáng lẽ không thể xảy ra, một việc đáng lẽ chỉ cần những người có trách nhiệm ở cấp thấp (cấp xã hoặc huyện) là có thể giải quyết được một cách tử tế, đàng hoàng, vừa đúng pháp luật vừa đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người dân, vậy mà cứ càng thêm rắc rối, phức tạp. Lãnh đạo thành phố phải vào cuộc, vẫn chưa xong, lên đến trung ương, rồi lên đến thủ tướng. Việc nhỏ như vậy mà dần dà kéo theo sự quan tâm tham gia của những cấp cao nhất như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, rồi Chính phủ, Viện KSND tối cao, Bộ Công an… (may mà chưa dính tới tòa án), tất cả phải xúm lại lo giải quyết chỉ vì một “cái móng tay”. Nhẽ ra bao nhiêu công sức, trí tuệ, trách nhiệm ấy để dành vào những việc quan trọng hơn chứ không phải chỉ để dẹp chuyện khởi tố sai trái một ông chủ quán cà phê. Buồn là buồn ở chỗ đó.

Nhưng mừng là nhờ thế mà cỗ xe vi phạm pháp luật đang băng băng lao dốc đã bị hãm kịp thời. Cứ hình dung ra cảnh ông chủ quán cà phê Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố, được tòa án lôi ra xét xử. Đã có kết luận điều tra của công an, lệnh khởi tố của viện kiểm sát, thì cũng sẽ có án từ tòa án. Chẳng ai dám chắc ông Tấn sẽ được tuyên vô tội trước tòa. Rồi nhiều khả năng lại tiếp diễn án oan, oan sai. Rồi một công dân vô tội phải ngồi tù. Rồi giải oan, xin lỗi, đền bù. Việc “nhỏ như cái móng tay” bị biến thành cực kỳ nghiêm trọng bởi nó quyết định số phận một con người lương thiện, thậm chí nhiều người liên quan, theo hướng xấu. Sẽ theo quy trình như vậy nếu không có sự ngăn chặn kịp thời.

Từ “vụ Bình Chánh”, thấy rõ ràng bộ máy công quyền cấp dưới đang có vấn đề. Có người bảo đó là lỗi hệ thống chứ không phải đơn lẻ, cá biệt. Bộ máy ấy đang có biểu hiện xa dân, hành dân, làm ngược lại những chủ trương thân dân, phục vụ nhân dân của chính quyền trung ương. Trong lịch sử, không phải bây giờ mới có hiện tượng như vậy. Xin đọc lại một đoạn chính sử:

"Nhâm Tý, Hoằng Định năm thứ 13 (1612, tức Minh Vạn Lịch năm thứ 40). Mùa thu, tháng 8, Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì cùng giám sát ngự sử 13 đạo là bọn Phạm Trân đã khải lên Bình An Vương rằng:

"Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay thánh thượng để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó, thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy. Nhưng kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, mọi việc nhiễu dân, không điều gì không làm, khiến dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hằng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi. Vì thế, cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai họa lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên thế sao? Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, và chuyển tai hoạ thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy" (trích Đại Việt sử ký toàn thư - Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên).

Ngẫm lời khải tấu của người xưa, ta không khỏi giật mình, bởi mấy trăm năm sau vẫn còn tệ nạn “kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, mọi việc nhiễu dân, không điều gì không làm…”. Một chính quyền cơ sở như thế sẽ làm xấu mặt chính quyền trung ương. Oan sai có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là những người nắm quyền lực, có trách nhiệm với xã hội với dân lại cố tình làm sai, hoặc vô trách nhiệm.

Làm trong sạch lại bộ máy, loại bỏ những nguyên nhân gây xói mòn lòng tin của dân với chế độ đang là nhu cầu bức thiết.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chặn kịp án oan