Trong 9 chiến sĩ trở về từ trận Gạc ma, đến nay chỉ còn 8 người còn sống. Người ra đi sớm là anh Nguyễn Văn Hùng (quê Thanh Hóa) vì mắc bệnh ung thư. Chỉ có anh Thoa là quê ở Bình Định.

Những vòng hoa trên sóng

20/04/2016, 11:31

Trong 9 chiến sĩ trở về từ trận Gạc ma, đến nay chỉ còn 8 người còn sống. Người ra đi sớm là anh Nguyễn Văn Hùng (quê Thanh Hóa) vì mắc bệnh ung thư. Chỉ có anh Thoa là quê ở Bình Định.

Bảy người còn lại ở rải rác tại các tỉnh, thành: Huế, Đà Nẵng, Đắc Lắc, 3 người ở Quảng Bình, không có ai ở tại TP.HCM. Tại Đắc Lắc, chúng tôi đã có dịp được gặp anh Trương Văn Hiền. Anh Hiền quê gốc ở Nghệ An, sau khi giải ngũ đã chuyển lên sinh sống gần sân bay Buôn Ma Thuột (xã Hòa Thắng, tp. Buôn Ma Thuột). Anh Hiền hiện sống bằng nghề phụ hồ, kinh tế còn khó khăn.

Ngày bi hùng ở Gạc ma

Ngày bi hùng nhất của lính đảo Trường Sa là sự kiện ngày 14.3.1988 tại vùng biển tam giác giữa ba đảo Đá Lớn - Gạc Ma - Cô Lin. 64 chiến sĩ của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Theo thông tin riêng của người viết, chỉ có ba chiến sĩ tìm được xác, các anh còn lại phải nằm lại giữa trùng dương mênh mông sóng vỗ. Với những người đi công tác Trường Sa thì giây phút chúng tôi nhớ nhất là lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ ngay trên boong tàu tại khu vực biển từng xảy ra đối đầu. Trong chuyến công tác tại Trường Sa lần đầu tiên vào năm 2010, khi đó Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa - Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam - nhấn mạnh: Trường Sa từ xưa đến nay là một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước Việt Nam. Với mưu đồ thôn tính biển Đông, cuối năm 1987, đầu năm 1988, tàu Trung Quốc liên tục xâm lấn một số bãi đá ngầm của Việt Nam, bắn cháy và chìm 3 tàu HQ: 505, 604, 605 thuộc lữ đoàn 125... Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh… Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh trong trận Gạc Ma. Giữa lúc nguy nan, anh đã quấn cờ Tổ quốc quanh người và truyền khẩu lệnh: “Các đồng chí hãy tiến lên. Hãy để máu mình thắm đẫm cờ Tổ quốc và tô thắm truyền thống của quân chủng”…

Trong cuộc chiến không cân sức đó, thế lực ngoại bang đã nhẫn tâm dùng đại liên bắn liên tục vào các tàu công binh của chúng ta. Một điều ít ai biết là một tàu HQ Việt Nam dù bị bắn cháy vẫn kịp trườn lên đảo Gạc Ma, lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay phấp phới, khẳng định chủ quyền và lãnh thổ bất diệt của đất Việt. Tại lễ tưởng niệm, từng thành viên đoàn công tác đã thả những vòng hoa xuống mặt biển, tưởng nhớ công ơn của những người đã ngã xuống. Bài Hồn tử sĩ trầm hùng vang lên giữa ngàn khơi. Nhiều thành viên trên tàu không giấu nổi những giọt lệ lăn dài. Chúng tôi đứng lặng người, nhìn những vòng hoa đỏ thắm dập dềnh trên sóng biếc. Trời đất cũng ngậm ngùi nên bất chợt đổ cơn dông tối sầm. Từ boong tàu, chúng tôi dễ dàng thấy đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đảo chìm được xây dựng theo hình một con tàu chiến. Tại đây là khu vực tam giác giữa các đảo: Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin. Hai đảo Len Đao và Cô Lin do chúng ta đang nắm giữ. Sau lễ tưởng niệm, chúng tôi xuống cano để vào thăm đảo Len Đao. Đảo Len Đao nhỏ xíu, được xây hai tầng, luôn thiếu nước ngọt vào mùa khô nhưng lính hải quân vẫn ngày đêm quay ra phía đại dương để bảo vệ bờ cõi. Tại đảo này có một bàn thờ luôn nghi ngút khói nhang để tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống. Những thế hệ chiến sĩ trẻ luôn lấy sự hy sinh oai hùng đó làm bài học để vững tay súng.

Canh giữ biển đảo

Sau trận Gạc Ma năm 1988, ở Trường Sa vẫn có nhiều chiến sĩ đã tiếp tục ngã xuống trong khi giữ đảo. Trong chuyến công tác Trường Sa với hành trình hơn 1.000 hải lý lần thứ hai vào năm 2015, chúng tôi đã tới thăm hơn 10 đảo chìm và đảo nổi. Tại đảo Trường Sa Đông, chúng tôi trông thấy ba nấm mộ của ba chiến sĩ chưa đầy 30 tuổi nằm kề bên nhau. Cùng thắp nhang cho các anh, chúng tôi bùi ngùi xúc động trước những nấm mộ nằm cạnh sóng vỗ rì rào. Tại hòn đảo xanh Nam Yết giống xứ dừa Bến Tre, liệt sĩ Hoàng Công Hùng (SN 1984, quê Hải Phòng) cũng nằm yên nghỉ một mình… Tới thị trấn Trường Sa, nơi được mệnh danh là “đô thị mới giữa biển Đông” với nhiều cột đèn năng lượng mặt trời, chúng tôi bùi ngùi xúc động trước nấm mộ của một chiến sĩ trẻ.

Trường Sa hôm nay vạm vỡ, tràn đầy sức sống với trạm khí tượng, tòa nhà làm việc khang trang của UBND thị trấn, nhà khách do nhân dân thủ đô tặng cùng những dãy nhà dân, lớp học ê a con trẻ, chứ không còn là nơi chỉ có nắng và gió. Trong sâu thẳm trái tim người dân Việt, sự hy sinh của các anh là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào để cán bộ, chiến sĩ càng chắc tay súng bảo vệ từng hòn đảo, tấc biển và vùng trời Tổ quốc. Những ai đã từng ra Trường Sa đều có thể cảm nhận được, giữa sóng gió ngàn khơi, tên các anh đã khắc vào lịch sử… Tổ quốc vẫn nhắc tên các anh - những liệt sĩ Trường Sa.

Thẩm Gia Vỹ / Duyên dáng Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vòng hoa trên sóng