Chuyện nơi này nơi kia làm những chiếc bánh chưng… 2 tấn, những tô hủ tiếu lớn nhất nước, những đòn bánh tét “khủng” nhất vùng nhân dịp này dịp nọ là chuyện của các nơi ấy. Nhưng tuyệt đối không được “dâng cúng” tổ tiên, nhất là dâng cúng Quốc tổ, như trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm.

Bánh chưng 'khủng', cúng ai?

21/04/2016, 18:44

Chuyện nơi này nơi kia làm những chiếc bánh chưng… 2 tấn, những tô hủ tiếu lớn nhất nước, những đòn bánh tét “khủng” nhất vùng nhân dịp này dịp nọ là chuyện của các nơi ấy. Nhưng tuyệt đối không được “dâng cúng” tổ tiên, nhất là dâng cúng Quốc tổ, như trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm.

Mục đích của những đơn vị tổ chức làm những thứ bánh “khủng” như thế là để quảng bá, nói theo kiểu thời thượng là “PR”, cho công ty hay đơn vị mình, hay nói như một nhà nghiên cứu văn hóa, là để “tự sướng” hơn là tỏ lòng thành kính dâng lên tiên tổ. Những vật phẩm rất… mất vệ sinh như thế (đã từng có tô hủ tiếu to nhất bị…ôi thiu, hay cái bánh chưng bánh dày to nhất bốc… mùi, do làm quá to nên khó nấu cho chín đều) thì không thể nói là vật cúng, và cũng không nơi thờ tự nào đủ can đảm chấp nhận.

Làm những cái bánh to để được ghi vào… kỷ lục Guinness Viet Nam là chuyện không ai cấm, nhưng đừng lợi dụng những ngày cúng giỗ thiêng liêng của cả dân tộc hay của một vùng đất để quảng bá hình ảnh công ty, đơn vị mình một cách… kệch cỡm qua những “vật phẩm” không giống ai như thế. Chưa kể, đó còn là sự lãng phí lương thực thực phẩm, trong khi cùng lúc còn bao nhiêu người thiếu ăn, bao nhiêu gia đình nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long mà ruộng đồng bị xâm nhập mặn tới nước ngọt để dùng còn thiếu, còn bao nhiêu bà con ở Tây Nguyên bị nạn hạn hán khủng khiếp khiến cả người và gia súc đều bị đói do thiếu lương thực và nước uống. Phải nói thật, những thứ kỷ lục như thế bây giờ thực sự đã quá lạc hậu và phản cảm.

Ngày xưa, Lang Liêu chỉ dùng nếp cái hoa vàng gói những chiếc bánh chưng nho nhỏ, giã xôi làm những chiếc bánh dày nho nhỏ để làm sính lễ và dâng cúng tổ tiên. Đó mới thực sự là truyền thống của dân tộc, là lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước, là những vật phẩm mang tính thiêng liêng, bình dị trong mọi lễ hội và thờ cúng nghiêm cẩn nhất. Và nó cũng tiêu biểu cho ẩm thực Việt - một nghệ thuật ẩm thực không bao giờ lấy cái ‘to” làm cái “ngon”.

Về những “dự án” làm bánh chưng “khủng” cúng Quốc tổ trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ông Hà Kế San (Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ) đã nói rất rõ ràng: “Chúng tôi kiên quyết không nhận những vật phẩm trái với thực tế đời sống ngày xưa, không có chuyện bánh chưng, bánh dày “khủng” tồn tại trong lễ hội đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương năm 2016 này”.

Đó là quan điểm rất thẳng thắn của địa phương tổ chức ngày Giỗ tổ tại Đền Hùng, và nó đã được đông đảo nhân dân đồng tình. Mong rằng, từ lễ Giỗ tổ năm sau, sẽ không còn xuất hiện những chiếc bánh chưng bánh dày hạng “khủng long” như đã từng xuất hiện, để vừa làm trò cười vừa mang tới nỗi đau cho những người cảm nhận.

Thanh Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bánh chưng 'khủng', cúng ai?