Một nhóm nhà khoa học Nga ở Đại học Công nghệ thông tin, cơ khí và quang học St Petersburg đã chế tạo được bộ cảm biến quang học cho phép chẩn đoán từ xa các bệnh truyền nhiễm.
Thiết bị dùng tia hồng ngoại có thể phát hiện cả vi khuẩn lẫn vi rút. Các tác giả của công trình nói rằng có thể áp dụng sáng chế của họ ở những nơi tập trung đông người như sân ga, bến tàu.
Hiện nay, tại các sân bay, để phát hiện những người mắc bệnhphải sử dụng máy dò nhiệt phát hiện người bị sốt cao khi nhiễm bệnh, kể cả những bệnh đặc biệt nguy hiểm. Nếu tìm ra một hành khách như vậy lại phải đưa vào phòng riêng lấy mẫu xét nghiệm, một thủ tục tốn nhiều thì giờ. Còn với sáng chế của các nhà khoa học Nga, theo ông Sergej Kudrjashov, cán bộ khoa học thuộc Khoa công nghệ và kỹ thuật laser của trường thì các bộ cảm biến quang học trên có thể phát hiện vi khuẩn dù với lượng ít nhất.
Việc chẩn đoán sớm và chính xác các bệnh lây nhiễm ở các nhà trẻ, trường học, đặc biệt là vào những thời điểm dịch hay bùng phát theo mùa sẽ cho phép phòng ngừa bệnh. Còn các bác sĩ ở các bệnh viện lây nhiễm có thể ứng dụng công nghệ này để chẩn đoán bệnh nhanh hơn.
Tờ Hinews tiết lộ rằng cơ sở của thiết bị là màng nano bạc với rất nhiều lỗ nhỏ li ti, được phủ lên trên một chất nền đá fluorite trong suốt. Đối tượng nghiên cứu được đưa lên mặt màng và chiếu tia hồng ngoại sau đó tiến hành phân tích phổ ánh sáng truyền qua các mô. Những thử nghiệm thành công trên các đối tượng sinh học bị nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus cho thấy bộ cảm biến sinh học có nhiều triển vọng áp dụng trên người.
Vũ Trung Hương