Theo hãng tin UPI, các nhà khoa học ở Đại học Texas, Mỹ, đã tiến hành nghiên cứu trên chuột với các tế bào thần kinh đệm - tế bào hỗ trợ trong các mô thần kinh.
Ở bước đầu cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học đã ngắt một số vùng của tuyến đường protein p53-p21. Đây là tuyến đường ngăn cản các tế bào thần kinh đệm trở thành các tế bào mầm,sau đó có thể hình thành các tế bào thần kinh.
Ở giai đoạn thử nghiệm thứ 2, các nhà khoa học tìm các protein, có thể giúp nâng cao xác suất biến các tế bào mầm thành các tế bào thần kinh. Hóa ra, các protein mang tên BDNF và Noggin hoàn thành rất tốt nhiệm vụ đó.
Được biết khi tổn thương tủy sống thì các chức năng vận động và chức năng cảm giác bị tác động. Nguy cơ các chức năng đó bị tổn hại tăng lên theo quá trình lão hóa. Đồng thời, tủy sống của người trưởng thành có rất ít cơ hội phục hồi các tế bào thần kinh. Các nhà khoa học Mỹ muốn tiếp tục nghiên cứu với hy vọng rằng phát hiện của họ giúp những người bị tổn thương tủy sống.
Trong khi đó trang web SoftCraze chia sẻ một tin vui: các nhà nghiên cứu ở Đại học Kazan, Nga, vừa đề xuất một phương pháp mới điều trị chấn thương tủy sống. Tất nhiên mới thử nghiệm trên chuột nhưng kết quả thu được rất khả quan.
Họ đã tìm cách đưa các gen điều trị và các tế bào máu dây rốn vào vùng tổn thương của tủy sống. Thử nghiệm cho thấy bằng cách này có thể khôi phục được chức năng vận động. Không ai lạ gì việc trong máu dây rốn chứa nhiều tế bào mầm với độ an toàn sinh học cao.
Nhưng theo các nhà khoa học, tế bào mầm từ máu dây rốn chưa đủ mà phải kết hợp với liệu pháp gen để kích thích tái sinh, ngăn chặn thoái hóa và kích thích phục hồi các mô tủy sống.
Giáo sư Albert Rizvanov, Khoa y sinh học Đại học Kazan chia sẻ rằng, tự các tế bào không thể kích thích sự tái sinh, nhưng tạo ra nhiều yếu tố mang hoạt tính sinh học để phục hôi tủy sống sau chấn thương.
Vũ Trung Hương